Láng hay nói với mọi người rằng công cuộc chăm da suy cho cùng là chống già, chống chết, chống lão hoá cho da. Làm cái gì thì cũng chống lão hoá, đá động thành phần này thành phần kia cứ đụng vào da là nó cũng có chức năng chống lão hoá cho da.

Nói mọi người nghe, thật sự chăm da từ sớm không hề hối hận tí nào đâu để 1 ngày như Láng mọi người nhìn U40 mà không có nếp nhăn hay trộm vía nhìn như 27 28 tuổi hay vẫn được kiu bằng "bé" là một điều hết sức vui ^^

Một thập kỷ qua, chăm sóc da từ tại nhà đến phòng khám gần như bùng nổ ở Việt Nam và bạn có nhận ra một điều rằng, rất nhiều sản phẩm chăm sóc da hoặc các liệu pháp tại các spa/clinic phòng khám đều tập trung vào sự trẻ hóa cho làn da. Chúng vẫn hiện diện ở đâu đó theo kiểu:

  • - Bạn ơi, hãy uống Collagen để bổ sung Collagen cho da đi
  • - Bạn ơi, bôi thoa các hoạt chất như Retinol, Peptide, Hyaluronic acid... để tăng khả năng chống lão hóa
  • - Hay xa hơn và có điều kiện kinh tế thì thử các giải pháp công nghệ cao từ máy móc hiện đại, tiêm HA hay Collagen, căng chỉ...

Một trong các công cuộc níu kéo thanh xuân này nằm cốt lõi ở việc phục hồi và tăng cường củng cố chức năng của MA TRẬN NGOẠI BÀO (ECM hay MTNB) mà trong bài viết này Láng muốn mọi người hiểu rõ hơn về nó cũng như quá trình lão hoá của cấu trúc này và tại sao một trong các chuyện chống lão hoá chống già sẽ nằm chính ở phần ma trận ngoại bào.

Ma trận ngoại bào (MTNB) là tổ hợp các thành phần bên ngoài tế bào. Ngoài việc cung cấp một bệ nâng đỡ về mặt cấu trúc cũng như sự hỗ trợ neo đậu của các tế bào chẳng hạn như tạo ra môi trường đệm nhằm giữ nước và cân bằng nội môi, MTNB còn thực hiện các chức năng truyền tín hiệu quan trọng giúp điều chỉnh sự di chuyển, tăng sinh, biệt hóa, trao đổi chất và sự sống sót của các tế bào tiếp xúc. Còn về chi tiết trong ma trận ngoại bào đặc biệt ở da chúng ta thì mời bạn cùng Láng đọc tiếp phần dưới đây nhen!

Ma trận ngoại bào nằm ở đâu?

Phân loại theo vùng chúng ta sẽ có Ma trận ngoại bào nằm ở
[1] không gian kẽ giữa các tế bào (Interstitial matrix) và
[2] vùng màng đáy (Basement membrane)

Không gian kẽ giữa các tế bào (Interstitial matrix)

Đây được xem là nhân vật chính được đề cập nhiều nhất khi nhắc đến MTNB, và chúng tồn tại ở phần trung bì.

Phần màng đáy (Basement membrane)

Bên cạnh nhân vật chính đã được kể trên, phần màng đáy là một nhân vật phụ bị lu mờ khi nhắc đến MTNB. Thực chất, chúng cũng thuộc nhóm MTNB và tồn tại ở dạng là một màng mỏng ở phần đáy thượng bì. Chính màng đáy này sẽ phân cách giữa 2 phần thượng bì và trung bì.
Phần màng đáy đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái tạo hoặc sửa chữa sinh lý sau chấn thương, bởi chúng còn có chức năng như 1 cái kho, khi tầng thượng bì thiếu gì thì phần màng đáy sẽ mở cộng để đưa các tế bào mới và khuếch tán các phân tử có hoạt tính sinh học từ phần trung bì lên thượng bì (cytokine, các yếu tố tăng trưởng…)
Tổn thương màng đáy là một trong những lý do chính khiến nám trung bì diễn ra đã được khoa học ghi nhận.

Các thành phần chính của ma trận ngoại bào

Collagen

Collagen là loại protein dạng sợi có nhiều nhất trong MTNB và chiếm tới 30% tổng khối lượng protein của động vật đa bào, và có khoảng 7 loại Collagen tồn tại trong toàn cơ thể con người. Và có 2 dạng Collagen mà giới khoa học thấy được: Collagen dạng sợi (là Collagen loại I và III) sẽ tạo thành khung xương cốt lõi ở phần kẽ của các tế bào phần trung bì, trong khi collagen dạng mạng lưới sẽ tồn tại ở màng đáy.

Khi đề cập về mặt da liễu, Collagen loại I và III thường xuyên được nhắc đến, vì chúng cấu tạo nên các bệ đỡ cho những bộ phận như dây chằng, gân, da… Hơn nữa, chúng còn đóng vai trò trong quá trình lành thương ở da, tạo độ đàn hồi, co giãn và giữ các mô liên kết với nhau. Đặc biệt, Collagen loại I thường chiếm số lượng ưu thế hơn so với các Collagen loại khác, chẳng hạn như ở da: Collagen loại I chiếm ~85% và Collagen loại III chiếm ~14%, hay ở dây chẳng thì loại I chiếm ~90% và loại II chiếm ~10%.

Vậy tại sao Collagen loại III lại chiếm hàm lượng ít hơn so với Collagen loại I ? Collagen loại III cũng không kém phần quan trọng để cấu tạo nên làn da, nhưng chúng chỉ tồn tại rất nhiều trong các mô của bào thai. Khi ở dạng bào thai, Collagen loại III ban đầu chiếm hơn một nửa tổng lượng collagen, và điều này cũng cho chúng ta thấy được 1 điều rằng làn da em bé sẽ luôn mịn màng và đàn hồi nhất định. Tuy nhiên, sự tổng hợp Collagen loại I vượt quá khả năng sản xuất Collagen loại III sau khi ra khỏi bụng mẹ, do đó ở da người trưởng thành, tỷ lệ collagen loại I/III là khoảng 5–6:1.

Hiển nhiên, khi tuổi chúng ta càng lớn, sự sản xuất cũng như lượng Collagen đang có sẽ giảm dần, điều này đa phần là do yếu tố ngoại sinh, đặc biệt là tia UVA (bởi đây là loại tia có khả năng đâm sâu vào tầng trung bì - nơi các chất nền ngoại bào đang âm thầm giúp đỡ da bạn săn chắc).

Elastin

Ngoài Collagen, Elastin là yếu tố không thể nhắc đến, bởi đây là thứ mà Collagen cần phải được bám vào để phát triển, mặc dù rằng Elastin chỉ chiếm 2-4% trong MTNB.
Đầu tiên, Tropoelastin - tiền chất của Elastin được sản xuất trong tế bào trung mô và được tiết vào ma trận ngoại bào. Sau đó, Tropoelastin sẽ tự đông tụ và liên kết thành 1 dây dài. Cuối cùng, với sự góp mặt của ion đồng 2+ và lysyl oxidase sẽ tạo ra Elastin có cấu trúc liên kết chéo. Chính nhờ cấu trúc liên kết chéo này sẽ khiến Elastin có tính đàn hồi cao hơn khi tác động lực lên da.

Glycosaminoglycan (GAGs) và Proteoglycan

Nghe cái tên khá dài chứ GAGS được biết nhiều nhất chính là Hyaluronic acid - HA quen thuộc của mọi người - đây được xem là phần cốt lõi trong da để cấu tạo nên các vật chất khác tại phần trung bì. Ban đầu, Hyaluronic acid có vai trò là “chất lấp chỗ trống” trong chất nền ngoại bào. Ngoài khả năng đó, chúng còn phát tín hiệu hoạt động cho các tế bào, bao gồm sản xuất cytokine, huy động bạch cầu và phản ứng viêm để kiểm soát các hoạt động tại phần trung bì. Vai trò của HA đối với làn da là không thể chối bõ.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do như tia UV từ môi trường, các enzyme phân giải Hyaluronic acid (Hyaluronidase) sẽ trỗi dậy và phá hủy cấu trúc liên kết của Hyaluronic acid, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, có thể như làm mất thể tích và da dễ bị chảy xệ khi lớn tuổi; hoặc làm gián đoạn tín hiệu để ra lệnh sản xuất các yếu tố tăng trưởng, làm các phản ứng viêm khó được ức chế.
Và nếu như lượng Hyaluronic acid thấp, thì Proteoglycan cũng sẽ khó để có thể đạt được chất lượng, bởi Proteoglycan là một thành phần được cấu tạo từ Hyaluronic acid, chúng sẽ liên kết thêm với các loại protein khác nhằm tạo ra phối tử đặc trưng và gắn vào thụ thể của tế bào, giúp tạo ra các hoạt động sinh hóa tại phần trung bì.

Các Glycoproteins và proteins ngoại bào

Nổi bật trong nhóm thành phần này sẽ có LamininFibronectin

  • - Fibronectin là một loại protein dạng sợi thứ ba trong ma trận ngoại bào, nó là yếu tố cần phải có trong quá trình phục hồi vết thương cho làn da, bởi Fibronectin là một phân tử kết dính giúp quá trình đông máu diễn ra dễ dàng. Hơn nữa, chúng còn giúp các sợi Collagen và Elastin được lắng đọng, kết dính dễ dàng sau khi vết thương xuất hiện.
  • - Laminin là một thành phần cực kỳ quan trọng mà nhiều mối quan tâm dần đổ dồn về khi nó nằm chính ở vùng màng đáy giúp ổn định độ bám dính của thượng bì và làm trung gian cho sự giao tiếp giữa thượng bì và trung bì, đồng thời có thể tương tác với các sợi cơ neo và collagen 7.


Còn nhiều cái tên khác cấu thành nên MTNB, tuy nhiên trong phạm vi bài viết nàynhà Láng chỉ đề cập đến các thành phần chính cấu thành nên MTNB mà giới khoa học bao nhiêu năm qua cũng đổ tiền của công sức vào nghiên cứu và phát triển các phương pháp để cải thiện chúng

Lão hóa các thành phần của ma trận ngoại bào

Đọc ở phần trên, có lẽ chúng ta cảm thấy hơi “ngộp thở” vì MTNB có cấu trúc ở cấp độ vi mô mà chúng ta không thể thấy bằng mắt thường. Vậy ở thế giới vi mô đó sẽ diễn ra những gì khi mà khoa học đã chứng minh sự sụp đổ của MTNB chính là 1 trong các nguyên nhân lớn dẫn đến lão hóa. Vậy mắt trần da thịt của chúng ta làm sao để biết có sự thoái hóa đó và dẫn đến việc cho ra những phát minh tiên tiến hơn trong ngành mỹ phẩm hiện nay ?

Cái chết hiểu đơn giản nhất sẽ là
1/ mọi thứ già đi và tự chết dần
2/ khả năng tăng sinh tái tạo không còn


Theo lẽ đó, các thuyết lão hóa mà khoa học đặt ra có thể kể đến như thuyết “gốc tự do về lão hóa”. Các gốc tự do hoạt động (oxy hoạt động) dù là nội sinh hay ngoại sinh sẽ theo thời gian phá hủy và làm chết các tế bào, hay Láng hay gọi quá trình già đi chính là quá trình oxy hóa cho đến chết. Tương tự những thuyết khác hoặc là tế bào tự chết, mất khả năng hay già yếu đi tự nhiên như “Thuyết về sự kìm hãm quá trình tăng sinh tế bào” - HAYFLICK LIMIT theo đó mỗi tế bào chỉ có thể tăng sinh giới hạn trong khoảng 50 lần, hay "Thuyết về sự chết theo chương trình" - Programmed Cell Death hay còn gọi là lập trình cho sự chết của tế bào, theo đó các tế bào bị hư hỏng sẽ được đưa và chương trình chết mặc định. Vì vậy, với quá trình lão hóa diễn ra, không chỉ do các tác nhân oxy hóa tác động bên ngoài, bên trong, mà các tế bào chịu trách nhiệm chính sản sinh các thành phần của lớp MTNB đóng vai trò quan trọng cũng chết yếu dần hay mất khả năng như Nguyên bào sợi - tế bào có nhiều nhất ở lớp trung bì và chịu trách nhiệm tổng hợp và tái cấu trúc một MTNB phức tạp với collagen, Elastin và các glycosaminoglycans (GAGs).

Quá trình già đi theo đó chứng kiến cấu trúc, thành phần ở cả chất lượng và số lượng tại lớp trung bì hay MTNB này thay đổi 1 cách mạnh mẽ. Nhìn qua ở các thành phần chính:

Collagen và Elastin

Các mối đe dọa từ môi trường, chẳng hạn như tiếp xúc với tia cực tím, ô nhiễm không khí và khói thuốc lá, cùng các yếu tố khác (yếu tố bên ngoài), cũng như lão hóa sinh học (yếu tố bên trong). Các loại oxy phản ứng (ROS) được tạo ra do tiếp xúc với tia cực tím hoặc được tạo ra trong quá trình trao đổi chất làm tăng biểu hiện của metallicoproteinase (MMP) làm suy giảm protein MTNB (MTNBp). Nồng độ MMP tăng cao ở da già hoặc da bị tổn thương do ánh nắng. MMP-1 là protease chính chịu trách nhiệm phân mảnh collagen loại I và loại III, loại collagen chiếm ưu thế ở da người, trong khi MMP-12 hoạt động mạnh nhất trong quá trình thoái hóa đàn hồi elastin. Do hoạt động của MMP tăng lên, các sợi collagen và đàn hồi bị thoái hóa và mất tổ chức ở da già. Sự thoái hóa tăng lên cùng với quá trình sinh tổng hợp giảm dẫn đến thiếu hụt collagen và đàn hồi ròng.

Mô hình tượng trưng cho sự thoái hóa của Collagen ở ma trận ngoại bào

Một là kích thích sự phân hủy collagen thông qua sự kích hoạt metalloproteinase (MMP) - enzyme gây thoái hóa ma trận ngoại bào. Tụi này sẽ tác động bằng cách phân mảnh cấu trúc của các sợi collagen và elastin thành kích thước nhỏ hơn, dần dà, cấu trúc da sẽ bị sụp đổ.

  • + Cơ chế gốc tự do phá hủy Collagen
  • + Cơ chế gốc tự do làm giảm tổng hợp Collagen


Hai là ức chế sản xuất collagen, đây chính là nguyên nhân khiến cho làn da dần mỏng đi. Qua thời gian, các gốc tự do sẽ là tác nhân gây ức chế TGF-β - là protein đóng góp không nhỏ vào sự phát triển phôi thai, hình thành xương, phát triển vú, chữa lành vết thương, tạo máu. Chính quá trình này sẽ gây ra sự ức chế TGF-β để tổng hợp collagen.

GAGs hay các HA

Về mặt GAG, sự thiếu hụt HA và các GAG sunfat hóa cũng đã được ghi nhận là kết quả của quá trình lão hóa. Cả hai yếu tố bên trong và bên ngoài đều điều hòa quá trình tổng hợp HA, dẫn đến giảm nồng độ HA, đặc biệt là ở lớp biểu bì. Việc giảm trọng lượng phân tử (MW) của HA được ghi nhận là do ROS. Song song với HA, số lượng các GAG sunfat đã được chứng minh là giảm ở da già so với da trẻ. Do đó, quá trình lão hóa có liên quan đến việc giảm độ dày và chất lượng của tầng MTNB, dẫn đến sự xuất hiện của các nếp nhăn nhỏ và da nhão, khô và xỉn màu

Láng nhắn gửi

Nhìn chung lại, quá trình lão hóa là một điều tất yếu sẽ xảy ra, cái chúng ta sẽ cố gắng làm được đó chính là làm chậm nhất có thể quá trình này. Ở phạm vi tiếp cận vùng MTNB của bài viết này, cải thiện chất lượng và số lượng của các thành phần chính như Collagen, Elastin hay GAGs và HA được giới khoa học đặc biệt quan tâm và tìm nhiều phương pháp tác động vì vai trò đặc biệt quan trọng của chúng trong cấu trúc MTNB và thể hiện trực tiếp ra ngoài làn da qua các nếp nhăn, rãnh, hóp, trũng, chảy xệ.



Từ các phương pháp ức chế quá trình thoái hóa hay kích thích tăng sinh tái tạo các thành phần này, giới khoa học phát triển từ các biện pháp bôi thoa bên ngoài như chống oxy hóa, chống nắng, ăn uống / tiêm chích hay can thiêp các phương pháp công nghệ cao như RF, HIFU, các thiết bị phát năng lượng…dần ra đời để tăng cường chất lượng cũng như tái tạo số lượng cho phần ma trận ngoại bào trở nên vững chắc.

Nên là, 2024 rồi, sau bao nhiêu năm trời các công trình nghiên cứu về MTNB đã diễn ra, bạn sẽ thấy người người nhà nhà kiu gọi hãy bôi Vitamin C đi, bôi đồng đi, ăn cam nhiều vô, chống nắng đầy đủ, tiêm HA đi, làm Thermage đi… tất cả là để củng cố phần lớn ở lớp MTNB này cũng như đẩy lùi lão hóa cho bạn.

Bạn có thể làm này làm nọ, làm hết cách, bạn không thấy đẹp ra nhưng thật lòng, 1 2 năm trôi qua mà bạn không già đi hơn hay thay đổi gì trên gương mặt theo chiều hướng tệ đi đã là 1 điều ghi nhận tích cực rồi. Hãy lựa chọn đón nhận sự lão hóa một cách nhẹ nhàng, để tương lai của chúng ta không phải là những cuộc gặp gỡ khốc liệt như những nếp nhăn, chảy xệ, đốm sắc tố, thậm chí là bệnh tật về da.

Tại Láng, chúng mình sở hữu gần như đầy đủ và tối tân nhất các phương pháp để giúp bạn đón nhận tuổi già một cách an nhiên nhất!