Ở phần trước của bài viết, chúng ta đã đi qua tổng quan về tăng sắc tố da, cách vết sắc tố hình thành trên da và những hướng tiếp cận điều trị, bạn có thể đọc lại bài viết Tổng quan tăng sắc tố da: thâm, sạm, nám (pt.1)

Ở phần này, cùng tụi mình điểm qua những hoạt chất dùng trong liệu pháp bôi thoa hàng một - điều trị tăng sắc tố, đặc biệt là các hoạt chất không-phải-Hydroquinone nhé.

Nếu bạn muốn một guideline hoàn chỉnh từ tiếp cận điều trị đến duy trì sau điều trị thì thú thật là cho đến hiện nay vẫn chưa có một phác đồ "chuẩn" nào đạt được sự đồng thuận cao trong y văn có thể hiệu quả cho các thể tăng sắc tố khác nhau, và việc tiếp cận đa phần cần phải có sự kết hợp của nhiều phương pháp. Tuy nhiên, tụi mình đã từng chia sẻ Cập nhật phác đồ điều trị nám má khá chi tiết theo UptoDate cùng với một số nguồn tài liệu từ các nghiên cứu khoa học trên thế giới về nám má, bạn có thể tham khảo nhé.

Điều trị tăng sắc tố với Hydroquinone

Từ lâu, Hydroquinone (HQ) được xem là TIÊU CHUẨN VÀNG (gold standard) trong điều trị tăng sắc tố và thường dùng làm chuẩn để so sánh, đánh giá hiệu quả của các hoạt chất khác trong tác động cải thiện sắc tố. Nếu bạn bị nám, hay thâm lâu năm hay dưỡng hoài không thấy sáng hay da tối màu và đơn giản muốn sáng trắng nhanh thì tiêu chuẩn hiệu quả nhất hiện giờ vẫn là HQ, nếu không phải HQ 4% thì cân nhắc 2% cũng được.

Cơ chế tác dụng của HQ được ghi nhận (1) ức chế tyrosinase, ngăn cản sự tổng hợp melanin; (2) ức chế tổng hợp DNA và RNA của các tế bào melanocyte (3) thúc đẩy sự thoái hoá melanosome

Trên thị trường, hiện nay có nhiều dạng bào chế của HQ có thể dễ dàng được bắt gặp. Chúng có thể ở dạng đơn chất hoặc kết hợp với các hoạt chất khác như là tác nhân tẩy tế bào chết, đơn cử như Glycolic acid và Tretinoin. HQ rất dễ bị oxy hoá và có thể bị hỏng nhanh chóng, tretinoin có thể giảm quá trình oxy hoá hoạt chất này

Tác dụng không mong muốn: tăng sắc tố có thể tái phát nếu ngưng sử dụng HQ. Các tác dụng không mong muốn thường gặp có thể kể đến như kích ứng, viêm da do tiếp xúc, tăng sắc tố sau viêm hoặc mất sắc tố. Kích ứng da (ngứa, rát, cảm giác bỏng) là thường gặp nhất nhưng thường chỉ dừng lại ở mức nhẹ

Chống chỉ định: HQ bị chống chỉ định ở phụ nữ mang thai và cho con bú hoặc tiền sử dị ứng với HQ

Nhưng thật tiếc là đời không như là mơ, HQ thì không thể duy trì dùng hoài vì nhiều lo ngại về tác dụng không mong muốn như kích ứng, viêm da tiếp xúc, rối loạn hay thậm chí là mất sắc tố vĩnh viễn.

Vậy, lúc này lại xuất hiện câu hỏi: hết thời gian tối đa có thể dùng HQ thì dùng gì tiếp đây?

Để trả lời cho câu hỏi đó, rất nhiều hoạt chất non-hydroquinone (không phải HQ) không ngừng được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả điều trị tăng sắc tố, tác động và nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình tổng hợp - vận chuyển và biểu hiện sắc tố => phối hợp trong điều trị cho hiệu quả cao mà lại có thể yên tâm dùng trong quy trình duy trì sau HQ để hạn chế tái phát sắc tố sau điều trị.

Các hoạt chất không phải Hydroquinone (NON-HQ)

Arbutin

Arbutin là một dẫn xuất tự nhiên, có bản chất là một glycoside của Hydroquinone (nói nôm na là Hydroquinone gắn thêm một gốc đường glucose á). Hoạt chất này thường được tìm thấy trong các dịch chiết của các loài quả mọng như blueberry, cranberry mà một số cây khác thuộc họ Ericaceae.

Arbutin có thể được chiết xuất từ tự nhiên, sinh tổng hợp từ Hydroquinone hoặc lên men bằng vi sinh vật. Trong tự nhiên, arbutin có thể tồn tại ở hai dạng α-arbutin và β-arbutin với dạng β là chủ yếu.


Cơ chế tác động:
Arbutin có khả năng ức chế enzyme tyrosinase, qua đó ngăn cản sự chuyển hoá và tạo thành melanin. Ngoài ra, arbutin còn thể hiện hoạt tính chống oxy hoá yếu, bổ trợ cho việc ức chế con đường melanogenesis thông qua phản ứng viêm và gốc tự do.

Việc Arbutin có thể chuyển hoá thành Hydroquinone trong quá trình bảo quản và sử dụng không vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, các bằng chứng hiện tại cho thấy quá trình chuyển hoá là thấp và tương đối an toàn so với việc sử dụng Hydroquinone.

α-arbutin có thể sử dụng ở nồng độ tối đa 2%, trong khi nồng độ β-arbutin có thể lên đến 7%.
Arbutin có thể sử dụng từ 1-2 lần một ngày, với tần suất sử dụng tăng dần để nền da đáp ứng dần.
Arbutin có thể cho hiệu quả hiệp đồng với vitamin C để tăng tác dụng chống oxy hoá và làm sáng. Sử dụng các sản phẩm trên vào buổi sáng để mang hiệu quả tối ưu.
Và đừng quên: dùng kèm theo kem chống nắng là bắt buộc khi điều trị tăng sắc tố.

Một số sản phẩm Arbutin Láng có:

Azelaic acid

Azelaic acid là một acid đa chức gồm 9 carbon được tìm thấy trong tự nhiên ở các loài ngũ cốc như lúa mì, mạch nha, và lúa gạo. Hợp chất này lần đầu tiên được quan tâm nghiên cứu nhờ khả năng ức chế tyrosinase và thúc đẩy sự giảm sắc tố da, bên cạnh đó, hợp chất này còn có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn in vitro và in vivo. Năm 2003, azelaic acid 15% với dạng bào chế gel lần đầu tiên đã được FDA cấp phép cho chỉ định điều trị trứng cá đỏ (rosacea). Sau đó, hoạt chất này lại tiếp tục được cấp phép cho điều trị mún trứng cá thể thông thường ở nồng độ 20% và được đưa vào sử dụng trong phác đồ điều trị mụn của Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD) năm 2016.


Azelaic acid thể hiện hoạt tính làm sáng thông qua khả năng ức chế tyrosinase. Bên cạnh đó, azelaic acid còn thể hiện hoạt tính kháng viêm, kháng khuẩn, được ứng dụng trong điều trị mụn trứng cá và trứng cá đỏ (rosacea).
Azelaic acid là một trong những sản phẩm điều trị hiếm hoi có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai và cả phụ nữ cho con bú (phân loại FDA-B).
Azelaic acid có thể được sử dụng 1-2 lần 1 ngày sau khi rửa mặt hoặc sau khi tẩy tế bào chết, đơn trị hoặc kết hợp với các tác nhân khác.

Sản phẩm chứa azelaic acid gợi ý: Paula's Choice 10% Azelaic Acid Booster

Kojic acid

Kojic acid là một acid hữu cơ có nguồn gốc từ sự lên men của một số loại vi nấm chi Aspergillus, Penicillium, và Acetobacter. Kojic acid được phân lập lần đầu bởi nhà khoa học người Nhật Kendo Saito vào năm 1907 từ quá trình lên men một số sản phẩm từ cơm như miso, sake và shoyu. Thuật ngữ “kojic” có nguồn gốc từ “koji” trong tiếng Nhật (cơm hấp) và là một trong những chất chuyển hoá đầu tiên mà con người đã phân lập được.

Tương tự như các hoạt chất khác như azelaic và arbutin, kojic acid cũng tác động vào quá trình ức chế enzyme tyrosinase, qua đó làm giảm lượng sắc tố tạo thành. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu còn chỉ ra kojic acid có thể đóng vai trò là một chất chống oxy hoá và một UV-filter (màng lọc chống nắng), qua đó hỗ trợ cho quá trình làm sáng.


Nồng độ cho phép của kojic acid trong sản phẩm dao động từ 1-4%, tuỳ theo quy định của nước sở tại. Một điều cần lưu ý rằng kojic acid có thể làm da nhạy cảm với ánh nắng hoặc viêm da tiếp xúc nếu nền da của bạn không phù hợp. Do đó việc apply thử vùng nhỏ và sử dụng kèm chống nắng là cần thiết khi sử dụng sản phẩm chứa kojic acid.

Sản phẩm chứa kojic acid tại kệ nhà Láng:

Tranexamic Acid

Tranexamic Acid (TXA) là một dẫn xuất bán tổng hợp của Acid amin Lysine và là một hoạt chất được dùng để cầm máu ở những người mắc hội chứng ly giải fribin bất thường (abnormal fibrinolysis) gây chảy máu quá mức. Tuy nhiên, trong một thử nghiệm của Nijo Sadako vào năm 1979 tại Nhật Bản, ứng dụng Tranexamic Acid để điều trị mề đay dị ứng, ông nhận thấy rằng ở những bệnh nhân này có sự cải thiện rõ rệt về nám má sau chỉ 2-3 tuần sử dụng. Điều này dẫn đến các nghiên cứu nối tiếp về cơ chế của tranexamic acid trong điều trị nám và các bệnh lý tăng sắc tố nói chung.

Khác với sự ức chế trực tiếp tyrosinase như các hoạt chất làm sáng khác, TXA tác động thông qua con đường ức chế con đường sinh tổng hợp melanin thông qua gián tiếp ức chế con đường plasminogen/plasmin.

Ngoài ra, TXA cũng là một trong những hoạt chất hiếm hoi đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị PIE (hồng ban sau viêm) có thể kể đến như thâm đỏ sau mụn, hay rosacea. TXA hoạt động trên cơ chế ức chế các cytokine tiền viêm như IL-1, IL-6, yếu tố hoại tử u (tumor necrosis factor - TNF-α), giảm tân tạo mạch máu và giãn mạch. Từ đó những nghiên cứu gần đây cho thấy tranexamic acid dùng ngoài nồng độ 5% có hiệu quả cải thiện PIE sau 6-8 tuần điều trị với ít tác dụng phụ.

Tranexamic acid có thể được sử dụng cả đường bôi, đường uống và có thể tăng khả năng hấp thu khi sử dụng cùng một số liệu pháp xâm lấn ít như lăn kim hoặc tiêm vi điểm. Chỉ định làm sáng của tranexamic đường uống là một chỉ định “ngoài hướng dẫn” (off-label) và cần được chỉ định sử dụng bởi bác sĩ. Nồng độ sử dụng tranexamic trong mỹ phẩm dao động từ 3-5%.


Các sản phẩm chứa tranexamic acid nhà Láng:

N-Acetylgucosamine

N-Acetylgucosamine (NAG) được tiềm thấy trong hầu hết mô của cơ thể, là tiền chất hyaluronic acid (HA) – đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc da và cấp ẩm cho ma trận ngoại bào ở lớp thượng bì và trung bì da.

NAG và dạng chuyển hoá của chúng là Glucosamine đã được chứng minh là có khả năng ức chế sự tổng hợp melanin thông qua sự ức chế quá trình glycosyl hoá và hoạt động của tyrosinase, một enzyme có vai trò chính trong việc tổng hợp melanin.


Ngoài ra, NAG còn được ghi nhận khả năng tăng cường sự thay đổi tế bào (cell turn-over)

Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy sự phối hợp tốt đẹp giữa NAG - Niacinamide hay NAG - Retinol trong tác động làm sáng và chống lão hóa. Vậy nên, một quy trình có B3 hay Retinol rồi mà còn "thiếu thiếu" thì bạn thử cân nhắc thêm NAG nhé.

Một số sản phẩm chứa NAG trên kệ Láng:

Cysteamine

Cysteamine hay tên gọi đầy đủ - L-Cysteamine là một hợp chất aminothiol có hoạt tính chống oxy hóa, có thể được tìm thấy bên trong hầu hết các tế bào động vật có vú, như một chất chuyển hóa của L-Cysteine.

Cơ chế hoạt động của Cysteamine trong điều trị sắc tố: Ức chế enzym Tyrosinase, Peroxidase và tăng Glutathion nội bào (điều chỉnh sắc tố eumelanin thành theomelanin)


Mặc dù đã được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả từ lâu nhưng có thể nói một trong những hạn chế và là "rào cản" của Cysteamine chính là mùi lưu huỳnh đặc trưng. Tuy vậy thì với sự phát triển của công nghệ bọc ngày nay thì hạn chế này đã phần lớn được khắc phục.

Cysteamine 5% dạng kem bôi ngoài da đã được chứng minh an toàn hơn HQ, dung nạp tốt và hiệu quả trên các vấn đề sắc tố da, được đánh giá có thể thay thế hiệu quả - hạn chế tác dụng phụ của Hydroquinone.

Đối với hoạt chất này thì tại Láng tụi mình có Cyspera Intensive Pigment Correction

Retinoids

Retinoids là các dẫn xuất của vitamin A ở các dạng dẫn xuất khác nhau, có thể kể đến như retinyl ester (ở dạng retinyl propionate), retinol, retinal, retinoic acid (tretinoin) hay các dẫn xuất tổng hợp như tarazotene và adapalene với retinoic acid đều có thể thúc đẩy sự đều màu da và làm sáng. Không chỉ vậy, retinoids còn cho cả lợi ích trên các nền da lão hoá, mụn và chùn nhão.

Cơ chế tác động chủ yếu của retinoids là thông qua sự thúc đẩy thay đổi tế bào (cell turn-over), qua đó làm thay các tế bào biểu bì trên bề mặt da chứa các mảng – đốm sắc tố melanin, dẫn đến sự đều màu da. Một số nghiên cứu còn chỉ ra cơ chế bổ trợ của retinoids thông qua sự ức chế tổng hợp tyrosinase, qua đó làm giảm lượng melanin tạo thành.


Retinoids có thể được sử dụng đơn chất hoặc có thể kết hợp với các hoạt chất làm sáng khác để tăng tác động. Một trong những phối hợp làm sáng hiệu quả nhất được FDA Hoa Kỳ cấp phép là phối hợp làm sáng Kligman bao gồm hydroquinon + corticosteroid + tretinoin.

Sản phẩm retinoids nhà Láng:

Một số hoạt chất khác

- VITAMIN C - ascorbic acid có đặc tính chống oxy hóa và ảnh hưởng đến quá trình hình thành hắc tố bằng cách giảm dopaquinone thành DOPA và ngăn chặn sản xuất gốc tự do và hấp thụ bức xạ tia cực tím.

- NIACINAMIDE
Ngăn chặn vận chuyển các túi melanosomes sau khi chứa đầy melanin từ melanocytes đến keratinocytes mà không có ảnh hưởng đến hoạt động của tyrosinase.

- Undecylenoyl Phenylalanine –UDP (có tên thương mại là Sepiwhite)
Là một hoạt chất mới và được đánh giá là có tiềm năng trong điều trị sắc tố trong tương lai, có nguồn gốc từ acid amin Phenylalanin
Hoạt động với với cơ chế ức chế enzym Tyrosinase. Nồng độ ổn định và hiệu quả của Sepiwhite là 2%

(Hình minh họa tác động của các hoạt chất bôi thoa đến các giai đoạn khác nhau của con dường sinh tổng hợp và vận chuyển melanin)

Có một chuyện bạn cần lưu ý rằng, tất cả các hoạt chất non-HQ trên đây gần như đều lấy HQ làm tiêu chuẩn để so sánh và dù có nghiên cứu cho rằng hiệu quả "tương đương" nhưng thực tế sử dụng cá nhân mình và các khách hàng đều không thấy hiệu quả bằng. Thậm chí khó hơn nữa là, nếu bạn bị nám thì khả năng tái đi tái lại vẫn có thể xảy ra. Vì vậy người ta vẫn liên tục tìm kiếm và lựa chọn các hoạt chất khác nhau, có thể sử dụng 1 mình hoặc phối hợp, nhằm khắc phục được nhược điểm đơn giản là vấn đề kích ứng / viêm da kích ứng do HQ mang lại hay đơn cử là chuyện không thể sử dụng HQ lâu dài. Cân nhắc giữa lợi và hại, lâu dài hay ngắn hạn mà bạn lựa chọn các hoạt chất cho phù hợp nhé.

Phối hợp Hydroquinone và các hoạt chất non-HQ trong điều trị tăng sắc tố

Lời kết:

Mặc dù Hydroquinone tại chỗ vẫn liệu pháp tiêu chuẩn cho bệnh nhân tăng sắc tố, tuy nhiên thì như đã đề cập ở trên, nhiều nguy về các tác dụng không mong muốn làm cho việc duy trì sử dụng HQ trên 6 tháng không được khuyến khích. Thay vào đó, nhiều hoạt chất không phải Hydroquinone đã đang cho nhiều bằng chứng tác động vào các giai đoạn của con đường tổng hợp vận chuyển sắc tố nhưng lại an toàn cho phối hợp duy trì lâu dài trong quá trình điều trị. Cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, lâu dài hay ngắn hạn để lựa chọn hoạt chất và phối hợp phù hợp, vì điều trị sắc tố là một cuộc đua dài hơn mà, Láng chúc bạn luôn láng và tìm được một "lối đi riêng" cho làn da của mình ^^