Gần đây mình cảm thấy biết ơn Ồ Láng Viện nhiều lắm, vì có mọi người mà Ồ Láng Viện nói nhỏ không nhỏ, mà lớn cũng không lớn lắm, nhưng lại được nhiều ưu ái và cũng vì vậy mà Láng có cơ hội được trao đổi nhiều hơn, được gặp gỡ và mở rộng rất nhiều, và cảm thấy....mình thật nhỏ bé các bạn ạ, đúng thật là cái giới skincare này còn quá nhiều thứ hay ho. Có những thứ ở đó tỉ ti năm rồi mà mình chả thèm đụng đến, xong đụng vào mới biết...sao mình dại vậy.
Giữa nhiều bài viết mình đang viết dang dở, giữa nhiều thứ còn đang test trên da, một nỗi thèm thuồng muốn dùng retinoids trỗi dậy và cơ duyên được gặp gỡ với Cá Vàng và Bác Sĩ Võ Thị Bạch Sương đưa mình về lại với tình yêu trọn vẹn cho retinoids một lần nữa.
Để Láng kể cho mọi người nghe, nếu một lần có cơ hội, bạn hãy book gặp Bác Sương 1 lần và hỏi chuyện về Skincare, nếu có cơ hội, bạn hãy nghe các video hay livestream có Bác Sĩ và Cá Vàng. Nếu bạn có 1 giây phút nào suy nghĩ, Bác sĩ hay Cá Vàng chảnh, chỉ giỏi nói, khó gần nhất là qua các thể loại màn hình mà Bác sĩ hay Cá Vàng xuất hiện...abcxyz...bạn sẽ thấy 2 người này là cả một trời thương nhớ và thật sự đáng nể phục với các con nghiện skincare tụi mình. Mình nói chuyện một lần và mình thật sự ...ngưỡng mộ không biết tả sao và thật sự là rất yêu quý 2 con người này.
Cá Vàng không ít lần nói với mình “tretinoin là phải có, phải thủ sẵn, cứ dùng đi chị!”. Ngày mình làm talkshow đầu tiên với Cá Vàng, em ấy cũng bảo các bạn khác là “mua ngay 1 tuýp tretinoin và dùng đi!”
Bác sĩ Sương nói với mình "Không một thời điểm nào từ năm 23 tuổi, Bác Sĩ không dùng tretinoin", "nhỏ có đi trị mụn kiểu gì thì treinoin vẫn là liều thuốc trị mụn chính thống nhất".
Đã 3 năm kể từ ngày mình viết những dòng đầu tiên về Retinoids, hồi còn non nớt lắm haha: https://olangvien.com/blogs/news/nhung-thuat-ngu-vi-dai-cua-nganh-da-lieu-retinoids
Cái thuật ngữ vĩ đại, vĩ đại thật sự của ngành da liễu này vẫn cuốn hút lắm, với mình, với tất cả những ai đam mê skincare. Ít ra là cho tới thời điểm hiện giờ, chưa có 1 phát minh nào gần như thay thế được. Với những ai đam mê làn da đẹp, thì đây như một liều thuốc diệu kỳ. Nói vậy thôi, chứ retinoids cũng gặp không ít điều tai tiếng, phần lớn vì các phản ứng (dù đã được cảnh báo trước) của nó mà người ta nói ghét không ghét, không dám dùng hay dùng xong lại bỏ nửa chừng. Nếu có rãnh bạn đọc thử bài báo dưới, cũng hay lắm!
https://www.nytimes.com/2006/11/30/fashion/30skin.html?pagewanted=all
“Retinoids thần thánh vậy, tại sao tất cả mọi người không dùng?”
“Retinoids thần thánh vậy, tại sao da vẫn xấu”
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng bệnh nhân bị thiếu kiến thức, thậm chí không đủ tin tưởng vào bác sĩ đang điều trị cho họ. Chúng ta dùng retinoids nhiều quá, dùng mạnh quá, thường xuyên quá rồi bị các kích ứng không mong muốn dù đã được cảnh báo trước, chúng ta bị lên mụn trong những tuần đầu tiên…rồi thì bỏ ngay. Bạn có bị vậy chưa, mình bị rồi ấy, và đúng là cũng dại lắm khi bỏ ngang đó ^^
Tính ra, từ ngày retinoids (Vitamin A) được nhà khoa học vĩ đại Paul Karrer tìm ra và đạt giải Nobel đến nay, ông đã không ngờ phát minh của mình đã cứu cánh cho bao nhiêu làn da và càng không ngờ rằng các cụm từ như tretinoin, retinol…phát triển từ nghiên cứu của ông lại có số phận không mấy dễ dàng! Hôm nay mình cùng ngồi lại xem thử thật sự chúng ta có nên bắt đầu dùng retinoids từ bây giờ không? Chúng ta đã làm sai chỗ nào hay phải dùng thế nào cho đúng.
Giữa rất nhiều những lựa chọn hoạt chất sử dụng trên tình trạng da, thì hơn 40 năm nay Retinoids vẫn luôn là lựa chọn hàng top và là thành phần số 1 trong danh sách các thành phần có khả năng phục hồi, tái tạo làn da với các tác dụng đa năng, đa nhiệm nhất có thể kể đến như mụn, nám, tăng sắc tố, lão hóa và nhiều bệnh lý về da khác.
Các thành phần cốt yếu, hiệu quả đặc trị mạnh, hoạt động nội bào, hiệu quả không thể chối cãi và có chứng minh khoa học cụ thể
- Các phái sinh của Vitamin A (tretinoin, retinaldehyde, retinol,…)
- Hydroquinone
- Các chất chống oxi hóa (α -lipoic acid, glutathione, ubiquione, idebeone, vitamin C, vitamin E, vitamin B3
- Các thành phần sửa chữa DNA (oxo-guanine glycosylase, ultraviolet endonuclease, phytolyase…)
- Chất kháng viêm (Anti-inflammatory)
- Growth factors - Các yếu tố tăng trưởng
Các thành phần hỗ trợ, hiệu quả đặc trị nhẹ hơn, hoạt động ngoại bào, được chứng minh hiệu quả rõ ràng nhất là khi kết hợp với các thành phần cốt yếu
- Alpha-hydroxy acids (glycolic acid, lactic acid, malic acid...- AHAs)
- Beta-hydroxy acids (salicylic acid BHAs)
- Các thành phần điều trị đốm nâu không phải hydroquinone: kojic acid, azelaic acid, arbutin,... rescorcinol
- Các thành phần đặc trị bệnh (benzoyl peroxide, kháng sinh, kháng nấm...)
Vẫn chưa được khoa học 100% chứng minh hiệu quả rõ ràng, chỉ nên dùng kèm theo, dùng thêm nếu bạn đã có các thành phần cốt yếu và hỗ trợ
Gold (vàng), caviar (trứng cá muối), silk, ursolic acid, Planifolia PFA (chiết xuất thực vật có tác dụng chống oxi hóa (polyfractioned vanilla fruit) và nhiều chất khác…
Tretinoin cho Hiệu quả mạnh ở lớp sừng và các lớp sâu dưới da.
Ở lớp thượng bì, tretinoin sửa chữa các tế bào sừng, phục hồi độ ẩm tự nhiên của da, và trái với nhiều ý kiến hoàn toàn sai khi cho rằng tretinoin bào mòn da, làm mỏng da, tretinoin kích thích giai đoạn sản sinh (nguyên phân) của các tế bào đáy và là một trong các thành phần phục hồi độ dày khỏe của lớp thượng bì tốt nhất.
Đầu tiên, tretinoin sẽ làm khô rút nước của lớp sừng ngoài cùng của da mà vẫn giữ vững hệ mô liên kết. Điều này làm cho da phản ứng rất nhanh với biểu hiện khô, bong da, và tróc vảy da chết thành từng mảng của từng nhóm tế bào. Nếu so sánh với AHAs có biểu hiện tương tự, bạn sẽ thấy da bong tróc theo kiểu rời rạc hơn của từng tế bào vì lúc này hệ mô liên kết đã bị bẻ gãy.
Ở lớp hạ bì, tretinoin giúp tăng trưởng collagen, các sợi đàn hồi elastin, đường amino và các mô liên kết giúp phục hồi sức khỏe toàn diện của làn da.
Đáng nói nhất là người ta tổng hợp được retinoids và cụ thể là tretinoin để hỗ trợ quá trình trị mụn là nhiều nhất. Cũng bằng cách duy trì và đưa quá trình sừng hóa của da về đúng ngày, đúng cách, không làm tắc nghẽn các lỗ chân lông, tretinoin còn giảm thiểu sự tiết dầu và tạo ra môi trường kỵ khí làm yếu hoạt động của vi khuẩn p.acnes. Thêm vào đó, đặc tính chống sưng tấy và kháng khuẩn giúp tretinoin là thành phần số 1 và chính thống nhất trong việc trị mụn. Bạn tưởng tượng trên da mình ai cũng có vi khuẩn p.acnes (vi khuẩn gây mụn), chỉ trong môi trường dầu nhiều, vi khuẩn mới sinh sôi nảy nở và công phá tối da, cắt dầu thì hết mụn. Hiểu đơn giản thì là vậy. Tuy nhiên, điều trị mụn cũng không đơn giản vậy, nếu vậy thì ai cũng có 1 tuýp tretinoin và đã hết mụn rồi. Lấy ví dụ là mụn trứng cá – loại mụn khó trị và nặng nhất. Khi vi khuẩn xâm nhập vào được lỗ chân lông, mụn + vi khuẩn = mụn trứng cá, viêm, đỏ, sưng tấy và dễ để lại sẹo tệ nhất trên đời là loại mụn này. Khi đó retinoids sẽ hay được bác sĩ kê với các kháng sinh như tetracyline (doxycycline, minocycline, lymecyline…) hay một số khác như clindamycin và erythromycin [tretinoin 0.025%/clindamycin phosphate 1.2% (Veltin, Aqua Pharmaceuticals; Ziana, Valeant Pharmaceuticals)]; hay gặp nhất cũng có thể là benzoyl peroxide, sulfur… [adapalene-BPO 0.1%/2.5% và 0.3%/2.5% (Epiduo and Epiduo Forte]
Lưu ý là việc sử dụng tretinoin và Benzoyl peroxide được khuyên dùng nhiều hơn khi giúp bạn hạn chế sử dụng kháng sinh nhiều hơn, và nhất là không bị kháng thuốc.
Ở nồng độ thấp 0.025%, tretinoin chủ yếu mang lại hiệu quả ở lớp thượng bì. Ở nồng độ 0.05% và 0.1%, hiệu quả cao và sâu hơn tới lớp hạ bì. Nồng độ càng cao, hiệu quả càng mạnh và càng ảnh hưởng sâu vào các lớp dưới của da.
Phải lưu ý là các dẫn chất hay nói cách khác công thức formulate của loại tretinoin bạn đang dùng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và nồng độ của tretinoin. Các công thức nhiều dưỡng ẩm và nước sẽ làm giảm ngay hiệu quả của tretinoin mặc cho nồng độ bao nhiêu.
Thật sự không phải ai cũng chịu nổi tretinoin, nếu không phải vì các phản ứng dù được cảnh báo trước, mọi người vẫn không chịu nổi, thì một số người da vẫn không đáp ứng nổi – cụ thể là da không xây dựng được sức chịu đựng với tretinoin, thì bạn hãy thử retinol.
Không thua gì tretinoin, retinol vẫn có đầy đủ các bằng chứng khoa học chứng minh tính hiệu quả của nó.
Sau khi lên da, retinol chuyển hóa thành retinaldehyde và sau đó thành retinoic acid (tretinoin). Và vẫn đáp ứng các hiệu quả như đã nhắc bên trên của tretinoin. Phải lưu ý rằng retinol có chuyển hóa được đến retinoic acid hay không và bao nhiêu nữa bạn nhé. Tuy nhiên, với retinol, da bạn ít bong tróc hơn, ít đỏ, ít mất nước hơn (TWL)
Theo quy tắc chuyển hóa, retinaldehyde mạnh hơn retinol. Cũng như các anh chị em họ nhà retinoids, retinaldehyde cũng đầy đủ các bằng chứng khoa học chứng minh 0.025, 0.05% cho tới 0.1% (cao nhất có thể tìm thấy là 2%) đều có các hiệu quả trong phục hồi sức khỏe làn da nói chung cho đến cụ thể là tăng sinh collagen, làm dày, săn chắc da, tăng độ đàn hồi, giảm nếp nhăn, làm đều màu da…
Thật sự đáng nói hơn nữa, retinaldehyde:
- Kháng khuẩn: giết được vi khuẩn P.Acnes (vi khuẩn gây mụn) theo nghiên cứu được cho là nhờ gốc aldehyde mà so với retinol bạn phải đợi retinol oxi hóa thành retinaldehyde.
- So với tretinoin, retinaldehyde dĩ nhiên đỡ gây các phản ứng trên da hơn. Vì vậy được chứng minh dễ dùng hơn khi kết hợp với các hoạt chất trị mụn khác như BHA, Benzoyl peroxide…
Khoa học là vậy, nói tóm lại thành phần được cho là chuẩn mực của cái đẹp này làm được gì cho bạn?
1/ CHỐNG LÃO HÓA
Với khả năng tăng sinh collagen được cho là bậc nhất trong các thành phần skincare, retinoids có thể giúp bạn cải thiện các vết nhăn, vết chân chim và chống lão hóa tuyệt vời.
2/ CẢI THIỆN ĐỐM NÂU, NÁM, LÀM SÁNG, ĐỀU MÀU DA
Bằng cách tăng cường tốc độ và đưa quá trình sừng hóa của da về đúng chu kỳ, đại loại nói thẳng là lột da thường xuyên, retinoids giúp điều trị các vết thâm, nám, làm sáng và đều màu da. Nhất là khi Tretinoin (retinoic acid – thể duy nhất hoạt động trên da) kết hợp với Hydroquinone, làm trắng da là chuyện mà tụi mình sẽ thích đấy ^^3/ TRỊ MỤN
Thật ra, dù có nhiều phản ứng phụ không mong muốn như bong, đỏ, khô tróc, tretinoin cho đến nay vẫn được xem là liều thuốc chính thống nhất và duy nhất hiệu quả cao trong điều trị mụn, an toàn và dễ dùng hơn nhiều so với các retinoids dạng uống dù hiệu quả mạnh hơn như Accutane (isotretinoin) nhưng lại đáng để bạn dùng hơn nhiều so với nhiều loại trị mụn khác trên thị trường.4/ PHỤC HỒI DA KHỎE, GIẢM SẸO
Nói thì cũng đã nói bên trên, nhưng chắc mình phải nhắc lại là tretinoin không có làm mỏng da bạn, không có làm da bạn nhạy cảm hơn (mình đã từng nghĩ như vậy, thật sự! haha), ngay cả khi da bạn có đi lăn kim, làm laser dạng nông thôi, sau chừng 3 ngày (nếu làm nông nhé) bạn đã có thể cho ngay tretinoin chứ đừng nói là các thể nhẹ hơn như retinol vào quy trình phục hồi da thần thánh của bạn rồi (với điều kiện có đủ kem dưỡng, kem làm dịu da kết hợp nhé).
Những lưu ý ngắn gọn khi sử dụng retinoids:
+ Những phản ứng được dự đoán trước và rất bình thường khi sử dụng retinoids: khô, bong tróc, đỏ, ngứa… sẽ xảy ra ở những tuần đầu khi sử dụng retinoids tùy thuộc vào phái sinh, nồng độ và liều lượng bạn sử dụng.
+ Những phản ứng này sẽ phải dịu đi bớt lại sau khi bạn sử dụng retinoids 1 thời gian.
+ Chỉ nên sử dụng tretinoin tầm khoảng 18 tuần (đầy 4 chu kỳ sừng hóa của da). Nếu bạn cảm thấy 18 tuần mà da bạn vẫn không hết đỏ, ngứa, rát…thì lập tức chuyển sang các thể nhẹ hơn nhé! (retinaldehyde hay retinol)
+ Tùy tình trạng da, nếu bạn cần điều trị (thâm, nám, mụn…), da bạn không quá nhạy cảm, thì có thể sử dụng tretinoin hằng ngày. Da nhạy cảm thì có thể 2-3 lần/tuần, những ngày còn lại sử dụng các phái sinh khác của retinoids. Da chỉ cần duy trì khỏe mạnh, chống lão hóa, thì chỉ cần dùng retinol, retinaldehyde là được.
Bên trên là những lưu ý nhanh gọn của mình khi sử dụng retinoids, bài này dài quá rồi mình xin kết ở đây, trong bài sau mình sẽ đi sâu hơn về việc sử dụng retinoids như thế nào cho đúng cách, những liệu trình sử dụng retinoids kết hợp như thế nào và các sản phẩm nào đáng dùng khi tìm đến thành phần thần thánh này nhé!
comments