Gần đây mình cuồng Obagi, phải thừa nhận là vậy và lý do cuồng không gì hơn hẳn là hiệu quả sản phẩm mang lại. Rồi tới Neostrata hay Biologique Researche chắc là thứ sẽ ngấp nghé ở Ồ Láng Viện đâu đó nữa, chủ yếu vì thành phần hơn cả, ngại nhất vẫn là cái giá khó với quá. Tám vậy, chứ chủ yếu mình cuồng các thứ thành phần thật sự phát huy hiệu quả mà được chứng minh rõ ràng, thấy rõ chứ không phải kiểu dưỡng cho vui, cho những người "da đẹp sẵn". Nói luôn là nhờ Obagi và Neostrata mà có chủ đề ngày hôm nay khi mình đào sâu hơn vào cái thế giới này đó!

Cũng nhân dịp mình thấy quá nhiều bạn đang cuồng Hyaluronic acid làm căng, bóng, mọng, da...và hơn hết ở Việt Nam mà nghe cấp nước là kích thích rần rần và phải mua cho được. Nói gì thì nói, quy trình của mình luôn ưa cho HA Intensifier của SkinCeuticals hay HA Booster của nhà Paula's Choice vào, nếu được thì mọi người nhớ thử nha.

HAs trong bài viết này không phải là thứ cấp nước thần thánh mọi người bàn tán mà là nhóm các hoạt chất Hydroxy Acids - thứ trending không kém retinoids hay Vitamin C mà mọi người hay nói đâu. Và thật ra thì mọi người cũng có thể đã dùng HAs mà không biết rồi đấy ^^ Trong khi glycolic acid hay salicylic acid đã quá quen thuộc với chúng ta thì một số khác thuộc đại gia đình này đang len lõi và dự là sẽ có những đột phá mạnh trong công cuộc cải tạo làn da và gây nên những làn sóng mới như lactobionic acid hay gluconolactone...Và không nói dong dài thì chắc chắn là bước skincare tiếp theo mà bạn phải sắm để chắc chắn có trong quy trình của mình sẽ là hydroxy acids (HA) đó! ^^

Hydroxy acid là gì?

Thể cơ bản nhất của HA là carboxylic acid - là một axit hữu cơ chứa nhóm chức carboxyl (carbon liên kết đôi với oxy). Tuy nhiên, kiểu định nghĩa rộng này lại bao gồm cả những tên tuổi như retinoic acid hay L-ascorbic acid...nên thật sự thì nhóm Hydroxy acids này cụ thể được phân thành 4 loại chính: Alpha HA (HA), Beta HA (BHA), Lipo HA (LHA) và Poly-HA (PHA)

AHAs là axit có 1 gốc hydroxy ở vị trí alpha. AHAs hay gặp nhất là glycolic, lactic và phytic acids.

BHAs là axit có 1 gốc hydroxy ở vị trí beta. BHAs hay gặp có citric, malic và các tropic acid.

SA salicylic acid với một số định nghĩa được xem như là BHA nói trên tuy nhiên, một số vẫn xếp nhóm này thuộc lớp phenol (phenolic) gồm 1 gốc hydroxy và 1 gốc carboxy gắn vào vòng benzen thơm, có cấu tạo mạch vòng chứ không thẳng như BHA. Hơn nữa gốc hydroxy của SA mang tính axit chứ không trung tính như gốc hydroxy của BHA. Chính vì vậy, SA và BHA khác nhau từ cấu trúc đến tính sinh lý của 2 chất này. Một số người cho là SA hay được đánh đồng chung với BHA hồi mới tung ra để lợi dụng sự phổ biến của BHA vốn dĩ đã được ưa chuộng và hiệu quả được công nhậnn trên thị trường. Phổ biến nhất của gia đình SA là LHA có 1 gốc hydroxy và 1 gốc carboxyl gắn vào nhân benzen.

Dù vậy, sự khác biệt về mặt cấu trúc của SA và BHA quá nhỏ trong khi tác dụng và hiệu quả khá tương tự nhau nên gần như giờ đây chuyện đánh đồng 2 thành phần này là một là chuyện bình thường. Và thật sự, phân biệt cấu trúc là chuyện của lý thuyết, mình nghĩ ở 2 thành phần này không đáng để bạn phân biệt kỹ như vậy.

PHA là các carboxy axit chứa nhiều gốc hydroxy, ít nhất 1 gốc gắn ở vị trí alpha của nhóm carboxy. PHA gồm gluconolactone hay các gốc bionic acid mới dự là sẽ được ưa chuộng sắp tới khi mà nhiều nhà đã bắt đầu tập trung nghiên cứu và phát triển mà người ta hay gọi là polyhydroxy bionic acids (PHBAs) gồm lactobionic acid và maltobionic acid.

Các loại Hydroxy Acids phổ biến trên thị trường

Glycolic Acid

Là HA phổ biến và được nghiên cứu nhiều bậc nhất trong giới skincare, glycolic acid cũng được xem là thể mạnh nhất của các AHAs hiện nay.

+ Glycolic acid được biết đến nhiều nhất với khả năng tẩy da chết đem lại một làn da mới tươi trẻ hơn. Cơ chế hoạt động được nghiên cứu cho thấy Glycolic acid có khả năng tạo phức chất với các ion kim loại, theo đó bẽ gãy các ion calcium liên kết các tế bào da ở lớp biểu bì và hơn hết làm các tế bào da chết bong đi. Đồng thời, lượng ion canxi giảm ở lớp biểu bì cũng làm kích thích sự phát triển tế bào, đem lại làn da mới mịn mướt hơn.

+ Glycolic acid tan trong nước vì vậy Glycolic acid sẽ không thanh tẩy được ở các vùng rìa nang lông (trong lỗ chân lông nơi tiếp xúc trực tiếp với tuyến dầu) trong khi nhóm BHA được cho là hiệu quả hơn vì tan trong dầu.

+ Nghiên cứu cho thấy Glycolic acid trực tiếp kích thích sự tổng hợp collagen của các nguyên bào sợi. Đặc biệt là collagen type 1 (ảnh huởng trực tiếp đến việc liên kết da)

+ Glycolic acid không làm bào mòn da như nhiều người vẫn nghĩ mà trái lại được chứng minh làm dày lớp hạ bì, tăng và giữ nhiều hơn lượng hyaluronic acid (HA khác ^^) để giữ nước cho da, làm da trông mọng nước hơn.

+ Glycolic acid hiệu quả trong việc điều trị thâm, nám. Trước đây người ta cho là vì khả năng tẩy da chết và kích thích tái tạo da mới. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác chứng minh khả năng điều trị đốm nâu của glycolic acid là vì đặc tính axit riêng của nó. Theo đó, Glycolic acid có khả năng ngăn chặn enzym tyrosinase trực tiếp tương tự như hydroquinone.

Lactic acid với các hiệu quả cũng được công nhận dù tác dụng chậm hơn Glycolic acid do phân tử to hơn. Bù lại, cũng vì lý do này mà Lactic acid được cho là dịu nhẹ hơn, ít kích ứng hơn.

BHA

Một thành phần phổ biến khác của HA được biết đến từ lâu với khả năng điều trị mụn ưu việt là BHA. Bằng cách tương tự như AHA nói trên, tuy nhiên BHA còn có đặc tính tan trong dầu nên tốt hơn trong việc làm sạch lỗ chân lông.

+ BHA còn có đặc tính kháng khuẩn, làm vô hiệu các vi khuẩn P Acnes thường gặp.

+ BHA chống sưng viêm nên rất tốt trong việc điều trị mụn.

LHA

Thuộc nhà salicylic acid chính hiệu vì có cấu trúc điển hình - LHA gồm một chuỗi 8 carbon béo gắn vào vòng benzen thơm, điều này khiến LHA ưa béo hơn nhiều so với BHA. Điều này cũng khiến LHA thẩm thấu chậm hơn so với các HA khác tuy nhiên vì vậy mà ít kích ứng hơn.

LHA cũng có khả năng tẩy da chết như các HA khác, tuy nhiên, vì cấu trúc phân tử của LHA cho phép chúng điều chỉnh các glycoproteins cấu tạo nên màng tế bào mà không ảnh hưởng đến màn corneocyte (các tế bào bị sừng hóa, không có khả năng phát triển và tồn tại độc lập nữa), giúp cho LHA có khả năng kích thích sự bong tróc vảy của từng bó sừng.

Tương tự như gia đình SA của mình, LHA cũng có khả năng kháng khuẩn và chống sưng viêm.

Quan trọng hơn cả và nghe là thấy kích thích hơn cả khi LHA được cho là có khả năng tương tự như tretinoin trong việc tái tạo các tế bào bì cũng như là cấu trúc ngoại bào, cho bạn một làn da tái sinh mới khỏe hơn.

LHA một hợp chất mới, nghe là thấy thèm thuồng khi dù khả năng thẩm thấu chậm, bù lại LHA lại dịu nhẹ hơn, tính kích ứng thấp hơn mà lại đem lại các hiệu quả tương tự tretinoin, thì còn gì hơn cho các làn da siêu nhạy cảm hay thậm chí bị đỏ da (rosacea).

Phải lưu ý là đa số các nghiên cứu hiện nay liên quan đến LHA đều được thực hiện bởi Loreal hoặc một vài đối tác liên kết của tập đoàn này. L' Oreal là brand duy nhất dùng LHA (trong La Roche Posay hay SkinCeuticals) nên là nói gì thì nói, mâu thuẫn lợi ích đâu đó cũng có. Anyway, cũng đáng để bạn chờ đợi nhiều nghiên cứu trong thời gian tới liên quan đến LHA.

Gluconolactone; Lactobionic acid / Maltobionic acid = Bionic acids

PHAs như có nói bên trên là các AHAs với nhiều gốc hydroxy. Tính tuổi đời thì PHA còn trẻ hơn cả LHA và được dự đoán sẽ làn sóng mới trong giới skincare, đại diện cho một thế hệ AHAs mới mang lại các hiệu quả tương tự mà gần như là tính kích ứng thấp nhất trong các anh chị em nhà HAs.

Nếu Gluconolactone được xem là thế hệ AHA thứ 2, thì các bionic acid được cho là thế hệ mới nhất - lứa đàn em thứ 3 của nhà này. Cấu trúc phân tử to (Gluconolactone nặng 178mol so với cấu trúc nhỏ nhất của HA là glycolic acid chỉ nặng 76mol) Mang các đặc tính tương tự nhưng vì càng nhiều gốc hydroxy acid càng khiến cấu trúc nó càng to, ngấm vào da càng chậm và càng ưa nước khiến nhóm PHA này hoạt như một chất humectants, dịu nhẹ so với làn da hơn cả. Đến cả những làn da nhạy cảm với AHA truyền thống, da bị đỏ rosacea vẫn dùng được thoải mái, không bị những cảm giác châm chít, rát, bỏng hay gặp phải. Và vì thế, PHA cũng được cho là hoạt động kết hợp an toàn, hiệu quả với các thành phần nghe là thèm như tretinoin hydroquinone chứ không như các HAs khác.

Và bạn sẽ còn kích thích hơn nữa khi nghe nói PHA cũng có những đặc tính của benzoyl peroxide mà không kích ứng và khô da như BP. Nói một cách khác, bạn có thể bảo vệ da tốt hơn khi da không phải chịu mấy ROS được sản sinh khi bôi BP làm da già nhanh hơn và điều khiến BP không thể dùng lâu dài được là vậy.

Một số điểm đáng lưu ý về HAs

+ Người ta quan ngại về việc sử dụng lâu dài các HAs sẽ làm tổn thương làn da.

Phải ghi nhận rằng những thành phần chúng ta đụng đến ở đây không nhẹ, và nếu dùng sai thì có khả năng gây tổn thương da là bình thường.

Bất cứ lúc nào bạn đụng đến 1 sản phẩm dù pH quá cao hay quá thấp, bạn đều đang có khả năng làm hại lớp màn ẩm bảo vệ da (lớp màn axit). Quá trình kích thích, ảnh hưởng trực tiếp lớp màn này chính là lý do làm da bạn đỏ, rát, nhạy cảm hơn.

Không ít các dẫn chứng khoa học, thí nghiệm, và kết quả thực tiễn trên làn da con người đã chứng minh dù bạn có dùng AHAs nói riêng hay các HA này nói chung liên tục 30 40 năm trời cũng chả sao cả. Chẳng những không hại, mà bao nhiêu hiệu quả bạn cần, chúng đều làm được.

Câu chuyện là bạn có dùng đúng cách hay không thôi! Luôn luôn lắng nghe da bạn, và luôn cẩn thận trong câu chuyện ham muốn và từ đó làm quá. Cái gì "quá" cũng không mang lại hiệu quả tốt.

+ Tất cả các HAs làm cho da bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng và từ đó, dùng nhiều dẫn đến ung thư da.

Lý do là vì các HAs kích thích quá trình sừng hóa và từ đó làm bạn mất đi (mỏng đi) chừng 20 lớp tế bào sừng (dù đã chết), nhưng cũng vì vậy làm tia UV không còn gì cản trở mà dễ dàng ngấm vào da, sâu hơn.

Một nghiên cứu thực nghiệm trên chuột (10% glycolic acid; pH 3.5 và 2% Salicylic acid; pH 3.5) bôi kem 5 ngày / tuần trong 40 tuần đã chỉ ra glycolic acid không làm thay đổi hay gia tăng tế bào sinh ung thư da kích thích bởi tia UV trong khi salycilic acid ở 4% còn cho thấy các hoạt động bảo vệ da khỏi tia UV cũng như ung thư da. Vì vậy mà bạn hay thấy nếu có dùng chung, người ta hay đưa ra lời khuyên dùng BHA sáng, AHA tối là vì vậy.

Bạn an tâm đi, người ta đã làm nhiều nghiên cứu vì quan ngại vấn đề này khá nhiều, và lấy cụ thể Glycolic acid - thứ HAs có kích thước nhỏ nhất, thấm sâu nhất, và làm da nhạy cảm bậc nhất cũng được ưa chuộng cũng như bày bán rộng rãi là có lý do, chứ không ai đưa 1 thành phần có khả năng dẫn tới ung thư da dùng được an toàn cho cả bà bầu như AHAs đâu. Năm 1998, Hội đồng chuyên gia đánh giá thành phần mỹ phẩm (CIR) của Mỹ đã kiểm chứng và công bố rằng AHAs không làm biến đổi gen hay gây ung thư, không độc hại cũng như không xếp vào hàng các thành phần làm nhạy cảm làn da. Dĩ nhiên, để đảm bảo an toàn, CIR không quên giới hạn nồng độ cho phép của các AHAs trên thị trường (<10%; pH>3.5) và không quên kèm câu "Luôn dùng chúng nắng" trên các sản phẩm chứa AHAs.

+ Không phải nồng độ % là thứ quyết định tất cả

Rất nhiều người vẫn cho rằng 14% AHAs mạnh hơn nhiều so với 10% AHAs nhưng sự thật hầu hết là ngược lại.

Bạn đã dùng qua serum 14% AHA; pH 3.7 của Alpha Skincare và 10% AHA; pH 3.5 Weekly ResurfacingTreatment của Paula's Choice thì bạn sẽ thấy 14% kia như 1 serum dưỡng bình thường, còn rất nhiều người muốn bỏng cả da khi lần dùng 10% AHA nọ của Paula's Choice.

Để đánh giá một sản phẩm hiệu quả. mạnh hay nhẹ, hợp với bạn hay không cần nhiều hơn là các con số nói trên mà hãng cho chúng ta biết. Hôm rồi khi mình tám tại sao bạn phải chi mấy triệu cho 1 chai AHA trong khi nhà kia chỉ bán có vài trăm ngàn, không chỉ dừng ở dược lực (tác động của sản phẩm lên cơ thể), nhiều khi còn là nhiều nghiên cứu chứng minh dược động của thành phần đó (tác động của cơ thể người lên thành phần đó ngược lại là các quá trình hấp thu, phân bổ, chuyển hóa..) Chưa hết nhức đầu đâu, người ta còn đi sâu để chỉ ra được các chỉ số khác nữa. Hồi xưa bạn có học hóa giỏi không, mình ước hồi xưa mình đã chăm chỉ hơn vì giờ phải đi ngồi học lại rất nhiều ^^ Bạn có nhớ để chỉ ra được độ mạnh của 1 axit người ta cần 1 chỉ số đánh giá độ phân li của axit - pKa (hiểu đơn giản là axit đó càng dễ phân li thành thể tự do (ion H+ linh động càng nhiều) thì mới hoạt động và phát huy tác dụng được). Theo đó, độ pH của dung dịch đệm (có trong sản phẩm) sẽ song hành cùng với chỉ số này và bản thân hệ đệm đó (tá dược) cũng ảnh hưởng rất nhiều. Theo đó, tùy mỗi loại acid bạn đang cân nhắc, trong mỗi hệ dẫn khác nhau sẽ có sức phát huy mạnh nhẹ khác nhau nhiều. Thậm chí, còn khó xác định hơn rất nhiều để đánh giá, đo lường hệ dẫn đó kết hợp ra sao với axit mà bạn đang nghĩ tới. Thông thường nhất, càng lỏng như nước (ít sệt hơn) thì HA đó càng mạnh. Vì vậy, bạn thấy ở các dạng lỏng như nước hay gel thì HA bạn dùng sẽ mạnh hơn nhiều so với dạng kem hay lotion.

Phew, cơ bản thì lý thuyết về Hydroxy Acids là vậy đó. Và thật sự thì ngành skincare xoay đi quẩn lại cũng chỉ có bấy nhiêu thôi, câu chuyện còn dài là cái gì hợp với da bạn vì dĩ nhiên mình nhắc lại, da mình ưa không có nghĩa da bạn cũng vậy.

Bạn có thể tham khảo chi tiết hơn về thành phần tại một số bài viết mình từng viết rồi, phần sau mình sẽ review chi tiết hơn một số sản phẩm HAs mình ưa chuộng nha!

AHA

BHA