Phải thú thật là trong những năm gần đây thì cụm từ “tế bào gốc” đã bị lạm dụng và được marketing một cách sai lệch về bản chất cũng như công dụng làm cho phần lớn mọi người có cái nhìn không mấy thiện cảm cho cụm từ này.Việc lạm dụng quá mức vào các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc đã khiến cho nhóm hoạt chất này dần mất đi tính chân thực của chúng.

Thẳng thắn và rõ ràng là tất cả các sản phẩm/chế phẩm dạng bôi thoa trên thị trường đều KHÔNG CHỨA TẾ BÀO GỐC. Thực tế, chúng ta cần phải nhận thức được rằng việc sử dụng tế bào gốc trong mỹ phẩm là điều không thể, bởi trong công thức có chứa các chất gây ức chế các tế bào sống (dung môi trợ thấm và chất bảo quản). Do vậy, thuật ngữ tế bào gốc mà các nhãn hàng sử dụng thực chất là “sản phẩm của tế bào gốc”: GROWTH FACTOR - Yếu tố tăng trưởng.

Yếu tố tăng trưởng đã ngày càng cho nhiều bằng chứng có hiệu quả được ghi nhận trên nhiều vấn đề của da. Đến giờ này, mình hoàn toàn có thể tự tin chia sẻ rằng: rồi đây sắp tới sẽ là "Thời đại của yếu tố tăng trưởng" trong chăm sóc sức khỏe nói chung và làn da nói riêng.

Vậy yếu tố tăng trưởng là gì? Cách nó hoạt động và lợi ích đem lại cho làn da, nhũng nguồn tế bào gốc có thể cung cấp yếu tố tăng trưởng mà chúng ta có thể thu hoạch và ứng dụng. Cùng bắt đầu bài viết với tụi mình nhé.

Yếu tố tăng trưởng là gì?

Growth factor (GF) - yếu tố tăng trưởng là phân tử có hoạt tính sinh học, thường có bản chất là các phân tử protein, ảnh hưởng (thúc đẩy hoặc ức chế) quá trình phát triển, nguyên phân (nhân đôi) và biệt hóa tế bào.
Nói nôm na cho dễ hiểu thì là các yếu tố tăng trưởng tác động đến quá trình phát triển, chữa lành và sống sót của tế bào.

Trong chủ đề này, các bạn cũng đâu đó bắt gặp từ “cytokines” - có thể được sử dụng đồng thời, thay thế cho cách gọi “growth factors” - yếu tố tăng trưởng. Trong một cách phân phân loại khác thì “cytokines” là một phân nhóm thuộc yếu tố tăng trưởng, cũng là các phân tử protein được sản sinh bởi tế bào máu và các tế bào miễn dịch, tham gia vào các phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Mặc dù cụm từ “tăng trưởng tế bào” đã được biết đến từ lâu nhưng cho đến khi 2 nhà khoa học Rita Levi-Montalcini và Stanley Cohen nghiên cứu thành công về yếu tố tăng trưởng thần kinh (nerve growth factor - NGF) và yếu tố tăng trưởng biểu bì (epidermal growth factor - EGF), nghiên cứu này đã đạt được giải Nobel cho lĩnh vực Sinh lý - Y học năm 1986. Đây chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho những nghiên cứu hiện đại sau này về yếu tố tăng trưởng, đặc biệt là ứng dụng yếu tố tăng trưởng trong chăm sóc và điều trị da trong vài năm trở lại đây.

Cách yếu tố tăng trưởng hoạt động?

“Signaling” - truyền tín hiệu, đó là cách mà yếu tố tăng trưởng hoạt động trong cơ thể.
Chúng có bản chất là các protein - tác động lên các thụ thể đặc hiệu trên bề mặt tế bào - kích hoạt chuỗi tín hiệu nội bào truyền đến gen bên trong tế bào, từ đó thay đổi biểu hiện của gen dẫn đến những thay đổi trong đáp ứng của tế bào da đối với vấn đề mà chúng ta quan tâm.

Mặc dù như mình đã nói ở trên, thứ trực tiếp cho chúng ta hiệu quả không phải là tế bào gốc mà là các sản phẩm từ tế bào gốc sinh ra, tuy nhiên, nguồn tế bào gốc là một yếu tố tác nhân để quyết định hiệu quả của những yếu tố tăng trưởng này.
Bởi mỗi loại tế bào gốc trong cơ thể chúng ta có khả năng tạo ra những loại cytokines nhất định, và có sự khác nhau về vai trò của các cytokines này.

Yếu tố tăng trưởng thực sự làm được gì làn da?

Chữa lành vết thương

Yếu tố tăng trưởng tham gia vào cả 3 giai đoạn của quá trình lành thương: (1) giai đoạn viêm, (2) giai đoạn tăng sinh và (3) giai đoạn tu sửa
=> có ý nghĩa trong cả điều trị mụn (kiểm soát quá trình viêm), chữa lành - phục hồi da sau tổn thương, và có ý nghĩa cả trong phòng ngừa và điều trị sẹo.


Để nói rõ hơn về tác động vào quá trình viêm, các yếu tố tăng trưởng điều hòa phản ứng miễn dịch của cơ thể, làm sao cho nó phản ứng “một cách bình thường - không quá mức”, từ đó bên cạnh việc viêm được kiểm soát, còn có lợi ích về việc lành thương sau viêm, giúp mô sẹo ít hình thành hơn.

Tăng sinh collagen, elastin

Thông qua kích thích tăng sinh nguyên bào sợi.
Sự giảm sút sản sinh collagen, elastin và xơ hóa, đứt gãy elastin do các phản ứng oxy hóa là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều dấu hiệu lão hóa trên da: kém đàn hồi, nếp nhăn, chùng nhão và chảy xệ.


Ở độ tuổi ngoài 20, sự sản sinh collagen chậm lại cùng với tác động của các yếu tố tiêu cực nội sinh và ngoại sinh dẫn đến sự giảm sút cả về chất lượng và số lượng collagen và elastin nâng đỡ cấu trúc da. Vậy nên bạn có thể dễ dàng nhận thấy nhiều phương pháp, công nghệ cải thiện lão hóa hiện nay đều tập trung bảo tồn và kích thích tăng sinh 2 thành phần này trong làn da.
Các yếu tố tăng trưởng đóng vai trò cốt yếu trong tăng sinh nguyên bào sợi dẫn đến tăng tổng hợp collagen và elastin hiệu quả.

Các nguồn yếu tố tăng trưởng có thể ứng dụng trong chăm sóc da

PRP - Platelet-rich Plasma

Có thể bạn chưa nghe/ ít nghe đến “yếu tố tăng trưởng” nhưng chắc chắn liệu pháp PRP - l

Đây là một ví dụ khá điển hình về ứng dụng của yếu tố tăng trưởng trong điều trị da. Về định nghĩa thì PRP là huyết tương giàu tiểu cầu, có được do quá trình lấy máu tự thân (máu của người cần điều trị) và thu hoạch lớp huyết tương giàu tiểu cầu sau quá trình ly tâm.

Tiểu cầu là một tế bào máu đóng vai trò sản sinh nhiều cytokines tham gia trong quá trình đông máu và nhiều phản ứng miễn dịch của cơ thể, tận dụng tính chất đó thì phương pháp PRP ra đời và rất hiệu quả trong tái tạo, lành thương và phục hồi hàng rào da, hỗ trợ bổ sung giai đoạn kích thích làm đầy đặn trong xâm lấn điều trị sẹo.

Vì là nguồn máu tự thân nên phương pháp này an toàn và ít có phản ứng phụ nhờ sự thích ứng nhanh chóng, không có phản ứng đào thải của cơ thể mặc dù có bản chất là protein. Thực tế, phương pháp này chính là thúc đẩy cơ chế tự phục hồi tự nhiên của làn da bằng cách cung cấp cho nó thêm nguồn nguyên liệu “quen thuộc” giúp làn da thích ứng nhanh chóng là một trong những ưu điểm giúp PRP có tác dụng ngay khi được đưa vào cơ thể và đạt hiệu quả tối ưu sau 3 tháng sử dụng.

Tế bào gốc và các nguồn yếu tố tăng trưởng khác không phải từ con người

Một số nguồn tế bào gốc đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công trong các chế phẩm bôi ngoài. Như mình đã nói ở trên, lựa chọn nguồn tế bào gốc chính là một bước quan trọng để quyết định hiệu quả của các yếu tố tăng trưởng, cytokines trong đó.
Để mà phân loại nguồn tế bào gốc toàn diện và dễ hiểu nhất là chia chúng thành 2 nhóm lớn: tế bào gốc phôi (khối tế bào bên trong phôi thai 5 ngày tuổi - 5 ngày kể từ thời điểm thụ tinh) và tế bào gốc trưởng thành (tế bào gốc được tìm thấy trong các mô đã biệt hóa của cơ thể - có đặc tính tự đổi mới hoặc sản xuất tế bào mới để thay thế mô bị hư hỏng).

Trong đó, tế bào gốc trung mô là 1 loại tế bào gốc trưởng thành có mối liên hệ chặt chẽ với quá trình sửa chữa và tái tạo các hệ thống mô mềm, cơ - xương và mạch máu. Tế bào gốc trung mô có thể được tìm thấy trong hầu hết các mô của cơ thể, dễ dàng thu được từ một số mô như: tủy xương, mô mỡ, hạ bì hay mô dây rốn…

.

Tế bào gốc nguyên bào sợi

  • - Ưu điểm nổi bật là tính phổ biến của loại tế bào này - trong mô liên kết của chúng ta, bên cạnh đó là vai trò “nhà máy sản xuất” collagen và elastin của các nguyên bào sợi. Tuy nhiên có thể nói khả năng sản sinh yếu tố tăng trưởng của các tế bào gốc nguyên bào sợi khá hạn chế so với các nguồn khác, điển hình là tế bào gốc tủy xương.
  • - Một điểm trừ đáng kể là các yếu tố tăng trưởng tạo ra từ nguồn tế bào gốc này có tính chất gây viêm trên da nên những ứng dụng trong chăm sóc da còn khá hạn chế.

.

Tế bào gốc trung mô tủy xương

  • - Là nguồn tế bào gốc “mạnh mẽ nhất” trong các nguồn tế bào gốc người có thể ứng dụng trong điều trị và chăm sóc sức khỏe. Đã có nghiên cứu chứng minh mô da là một trong các mô đích của các tế bào gốc tủy xương trong sửa chữa và tái tạo mô hư hỏng - một công việc của các tế bào gốc trung mô.
  • - Loại tế bào gốc này khá đặc biệt vì chúng có khả năng được phát tán trong cơ thể theo hệ tuần hoàn, điều này không phải tế bào gốc trung mô nào cũng có thể làm được. Hầu hết các tế bào gốc trung mô còn lại đều chỉ phát huy vai trò ngay tại mô ban đầu của chúng.
  • - Đây cũng là nguồn tế bào gốc mà bạn có thể dễ tìm kiếm được những nghiên cứu khoa học, bằng chứng hiệu quả trên nhiều vấn đề sức khỏe nói chung.
  • - Tế bào này không chỉ đóng vai trò trong quá trình lành thương, chữa lành mô mà còn đóng góp vào quá trình sản sinh collagen. Nói cho dễ hiểu thì các tế bào gốc trung mô tủy xương được ví như “đội tuần tra” theo máu đi đến nhiều mô đích, phát hiện và sửa chữa tổn thương nếu có, vậy nên những yếu tố tăng trưởng do các tế bào này sản xuất cũng đa dạng và “đa năng” hơn.

.

Tế bào gốc từ mô mỡ

  • - Những tế bào gốc mỡ cũng được các nhà R&D chú ý vì chúng phong phú, là nguyên liệu dễ kiếm, dễ thu hoạch và dễ nuôi cấy trong môi trường thí nghiệm.
  • - Chúng sản sinh nhiều loại yếu tố tăng trưởng hơn so với tế bào gốc nguyên sợi, nên xét về hiệu quả trên nhiều mô đích thì có thể được đánh giá cao hơn.
  • - Tuy nhiên, vẫn chưa có quá nhiều nghiên cứu và bằng chứng hiệu quả, thử nghiệm lâm sàng nên việc ứng dụng nuôi cấy nguồn tế bào trong điều trị da liễu.

.

Nguồn yếu tố tăng trưởng từ động/thực vật

  • - Một số nguồn yếu tố tăng trưởng động vật bạn đã có thể đã từng nghe qua như: nhau thai cừu, dịch nhầy ốc sên, hay đặc biệt hơn như dây cuống rốn của hươu đỏ. Và các yếu tố có nguồn gốc trích xuất từ thực vật như hormone thực vật (kinetin)...
  • - Mặc dù vẫn đem lại tác động chống viêm, chống oxy hóa nhưng không có nhiều bằng chứng về cơ chế hoạt động của các nguồn yếu tố tăng trưởng này trên tế bào người. Cũng dễ hiểu khi chúng không thể đạt hiệu quả “giao tiếp tế bào” trên cơ thể người, vì lý do “rào cản ngôn ngữ” hoặc sự không tương thích dẫn đến không thể phát huy hết tiềm năng sinh học như các yếu tố có nguồn gốc từ con người.
  • - Nói đi thì cũng nói lại, trên thị trường cũng đã có rất nhiều nhà sản xuất thành công với các công thức “phục hồi da” từ các yếu tố nguồn gốc động thực vật như trên nên không thể phủ nhận hiệu quả của các nhóm sản phẩm này, chỉ là hiệu quả điều trị của nó không quá mạnh mẽ và rõ rệt như cách các yếu tố tăng trưởng từ con người có thể làm được.

Lời kết

Một thời đại mà như mình có gọi đầu bài “thời đại của yếu tố tăng trưởng” mình tin từ đây về sau sẽ còn nhiều ứng dụng và được nghe nhiều hơn về các Growth Factors chính thống chứ không còn là “tiêm tế bào gốc”, “bôi tế bào gốc”, “sản phẩm có chứa tế bào gốc” nào ngoài kia nữa. Như 1 tác giả của bài viết được công bố trên JDD tái định vị các thước đo chuẩn mực khi nói về sức khoẻ làn da, các peptides, growth factos và stem cells có hẳn hoi 1 vị thế của nó.



Trong phạm vi bài viết trên team Láng hy vọng mọi người đã có cái nhìn rõ hơn về các “tế bào gốc” ngoài kia, hay biết nhiều hơn về các yếu tố tăng trưởng cần thiết cho sức khoẻ làn da chúng ta. Câu trả lời cho câu hỏi “các yếu tố tăng trưởng trong sản phẩm dưỡng da - chúng thực sự hiệu quả trên làn da không?”. Khó trả lời nha. Hầu hết các công ty đều dựa vào kết quả xét nghiệm lâm sàng để trả lời câu hỏi này; tuy nhiên, thật khó để tách biệt tác dụng của yếu tố tăng trưởng với tác dụng của hệ dưỡng đệm hay dung môi đi kèm. Với các sản phẩm tiêm như PRP (máu tự thân) trên lâm sàng may mắn là nhiều nghiên cứu ngoài kia back-up. Việc tiêm các sản phẩm chứa các growth factors khác ngoài PRP trực tiếp vào da thì còn đang chờ đợi thêm nhưng cũng rất nhiều hứa hẹn.

Câu chuyện tính thực tế về nghiên cứu - phát triển sản phẩm thì ngoài kia đã có hàng loạt thương hiệu đình đám thành công như SkinMedica với TNS và human fibroblast stem cells, AnteAGE với bone marrow GF từ tế bào gốc trung mô tuỷ xương người, Osmosis StemFactor từ tế bào mỡ, ZO Growth Factor Serum từ thực vật, hay gần đây nhất là việc sử dụng exosome (- túi ngoại bào chứa các thành phần có khả năng điều chỉnh hoạt động tế bào như DNA, mRNA, cytokines, proteins…)
Nhìn chung chúng ta có thể bỏ qua phần suy xét “tính khả thi” của thành phần này một phần, tất nhiên là bằng cách chọn các thương hiệu công khai nguồn gốc, nghiên cứu và bằng chứng lâm sàng minh bạch, rõ ràng, đủ thuyết phục.

Ở các bài viết tới, team Láng sẽ cố gắng review các sản phẩm chứa các yếu tố tăng trưởng chất lượng từ các nguồn tế bào gốc uy tín với nhiều nghiên cứu backup. Cùng chờ đợi và nhớ ủng hộ tụi mình nghen.

Chúc các bạn luôn Láng ^^

-----------------------

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Anaya JM, Shoenfeld Y, Rojas-Villarraga A, et al., editors. Bogota (Colombia): El Rosario University Press; 2013 Jul 18.

  2. 2. Ogliari KS, Marinowic D, Brum DE, Loth F. Stem cells in dermatology. An Bras Dermatol. 2014 Mar-Apr;89(2):286-91.

  3. 3. Gushiken, L.F.S.; Beserra, F.P.; Bastos, J.K.; Jackson, C.J.; Pellizzon, C.H. Cutaneous Wound Healing: An Update from Physiopathology to Current Therapies. Life 2021, 11, 665.

  4. 4. Steed, D. L. (1997). THE ROLE OF GROWTH FACTORS IN WOUND HEALING. Surgical Clinics of North America, 77(3), 575–586.

  5. 5. Reilly DM, Lozano J. Skin collagen through the lifestages: importance for skin health and beauty. Plast Aesthet Res 2021;8:2.

  6. 6. Laato M, Kähäri VM, Niinikoski J, Vuorio E. Epidermal growth factor increases collagen production in granulation tissue by stimulation of fibroblast proliferation and not by activation of procollagen genes. Biochem J. 1987 Oct 15;247(2):385-8.

  7. 7. Maisel-Campbell A. L., Ismail A., Reynolds K. A. et al. (2020), A systematic review of the safety and effectiveness of platelet-rich plasma (PRP) for skin aging. Arch Dermatol Res, 312(5):301-315

  8. 8. Fathke C, Wilson L, Hutter J, Kapoor V, Smith A, Hocking A, Isik F. Contribution of bone marrow-derived cells to skin: collagen deposition and wound repair. Stem Cells. 2004;22(5):812-22.