[SỔ TAY NHÀ LÁNG: RETINOIDS] - CẨM NANG SỬ DỤNG RETINOIDS TỪ A - Z

Đọc lại các phần retinoids tại đây nha:

Phần #1: Tổng quan

Phần #2: Các loại retinoids đang được ứng dụng ở dạng bôi ngoài

Tiếp tục chuỗi bài viết về Retinoids, sau khi đã tìm hiểu đủ lí thuyết, hôm nay tụi mình cùng xem làm thế nào để sử dụng hoạt chất vàng này an toàn nhất có thể nhé ^^.

Khi nào thì bắt đầu sử dụng?

Ngay khi bạn cần cải thiện các vấn đề về mụn và chống lão hoá, khi gặp các bệnh lý về da như vảy nến (khuyên dùng acitretin), với các vấn đề về sắc tố như nám, bạn đã có thể bắt đầu sử dụng retinoids.

✓ Nói vậy, tức là thí dụ từ 11t mà bạn đã dậy thì và lên mụn thì đã có thể gặp bác sĩ để sử dụng tretinoin.

Trung bình, để duy trì vẻ đẹp nói chung của làn da và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa thì người ta khuyên nhau rằng thời điểm đẹp nhất bạn bắt đầu sử dụng retinoids là từ những năm 22t, 25t. Còn nếu bạn có thể tự trang bị kiến thức tự sử dụng được tại nhà thì có thể hoàn toàn bắt đầu sử dụng các dẫn xuất nhẹ như retinol esters từ 18t chẳng hạn.

You will never regret using a retinoids!

Sử dụng retinoids khi có thai và cho con bú?

Mặc dù đem lại nhiều công dụng tuyệt vời của Vitamin A cho cơ thể nói chung hay Retinoids cho sức khoẻ làn da nói riêng thế nhưng Retinoids được khuyến cáo KHÔNG NÊN SỬ DỤNG TRONG THỜI KÌ MANG THAI vì:
  • - Lượng sản phẩm Retinoids hấp thụ qua da được ghi nhận là rất thấp, tuy nhiên có 4 trường hợp dị tật bẩm sinh được công bố trong y văn liên quan đến việc sử dụng Tretinoin đường bôi [1]
  • - Trong khi đó, Isotretinoin đường uống được ghi nhận gây ra 20 đến 35% nguy cơ mắc các khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng, với tới 60% trẻ em có vấn đề về nhận thức thần kinh khi tiếp xúc [2]

Do đó, khuyến cáo cho phụ nữ trong độ tuổi sinh nở nếu phải sử dụng retinoids đường uống để điều trị nên [O1]:
✓ Sử dụng ít nhất 1 biện pháp tránh thai
✓ Thường xuyên được thăm khám và tuân thủ điều trị bởi bác sĩ
✓ Ngưng sử dụng đường uống ít nhất 1-2 tháng trước khi có ý định mang thai

Tuy nhiên cũng đừng quá lo lắng, vì nếu bạn đang dùng các tiền chất như retinol, retinol ester, retinal thì thấm vào da còn khó, rồi còn chờ việc chuyển hóa thành retinoic acid, việc ngấm vào máu hay ảnh hưởng thai nhi là chưa có ghi nhận nào với các dẫn xuất này.

Nếu đột ngột phát hiện có thai và vẫn đang sử dụng, bạn làm các sàng lọc, xét nghiệm và khỏe mạnh, tâm lý vững vàng hãy cứ an tâm sử dụng nhé. Thực tế nhiều bác sĩ vẫn cho dùng Retinol khi có thai và cho con bú.



Còn có nghi ngờ và vẫn không an tâm thì hãy cứ không sử dụng cho an toàn 100% nhé.

Sử dụng dẫn xuất nào? Nồng độ nào?

Việc lựa chọn dẫn xuất nào, nồng độ nào phục thuộc vào mục đích sử dụng của bạn cũng như tình trạng da của bạn, độ dày, độ nhạy cảm... Là bạn đang điều trị mụn, vảy nến, hay chống lão hóa, hay kết hợp với các hoạt chất khác trong quy trình sử dụng của bạn... Người có chuyên môn có thể giúp bạn lựa chọn dẫn xuất và nồng độ sử dụng phù hợp, tuy nhiên, không có quy tắc nào là đúng nhất, chỉ có cái nào là hợp nhất với bạn và chỉ bạn, phù hợp với người này có cùng tình trạng giống bạn cũng chưa chắc phù hợp với bạn. Nếu bạn thấy da bạn tiến triển tốt thì đó là lựa chọn phù hợp.

BẮT ĐẦU CHẬM VÀ NỒNG ĐỘ THẤP!
  • Nếu mới làm quen với retinoids, hãy bắt đầu sử dụng với dẫn xuất nhẹ dịu của retinoids như retinol. Chậm từ 2-3 lần/tuần cho đến mỗi ngày 1 lần tùy theo sức chịu đựng.
  • An toàn nhất là bắt đầu từ nồng độ thấp để hạn chế các tác dụng không mong muốn, sau đó tuỳ nhu cầu mà tăng từ từ lên tới ngưỡng chịu đựng của da.

Hiệu quả của retinoids nói chung phụ thuộc vào nồng độ - liều lượng - tần suất sử dụng (dose-dependent), dưới đây là một số điểm bạn có thể xem xét:
  • + Tretinoin có 2 chuyện 1 là hiệu quả, 2 là kích ứng. Nên nếu bạn đã dùng mọi cách (nói sau) vẫn không đáp ứng được với tretinoin thì hãy thử các dẫn xuất, phái sinh khác của retinoids như retinal, retinol…
  • + Đối với vấn đề lão hóa, một nghiên cứu của Griffiths và cộng sự (1995) với 2 nồng độ tretinoin 0.025% và 0.1% cho kết quả cải thiện với các dấu hiệu lão hóa nhưng không mấy khác biệt về mặt lâm sàng và có ý nghĩa thống kê, tuy nhiên ở nồng độ 0.1% thì độ kích ứng da ghi nhận cao hơn. Vì vậy nếu bạn muốn chống lão hóa, có thể cân nhắc từ nồng độ 0.25%.[3]
Tuy nhiên, với vấn đề mụn, tretinoin thể hiện rõ hiệu quả phụ thuộc vào nồng độ sử dụng, nhất là với các nhân mụn nhỏ. Trong hai nghiên cứu siêu cấu trúc riêng biệt, 12 tuần điều trị bằng tretinoin (0,1% và 0,025%) làm giảm các microcomedones lần lượt là 80% và 35%. Các nghiên cứu với gel adapalene 0,3% liên tục cho thấy hiệu quả vượt trội liên quan đến liều lượng của adapalene 0,3% so với 0,1% trên nhiều phương diện, với khả năng dung nạp tốt ở cả hai liều lượng [4]
  • + Bôi 3 lần một tuần cho bạn kết quả cao hơn 1 lần 1 tuần. [5]
  • + Duy trì việc sử dụng retinoids lâu dài bằng cách thay thế, xen kẽ các dẫn xuất của retinoids như retinol - tretinoin - retinol cũng là một trong cách sử dụng để giảm thiểu kích ứng cho da thời gian dài và đạt được các hiệu quả nhất định.

QUY TẮC CHUNG: Sử dụng theo đúng hướng dẫn sử dụng của hãng.

Hầu hết các tretinoin/retinal/retinol ở dạng kem hay gel đều sẽ được khuyên dùng bắt đầu lượng bằng 1 hạt đậu (pea size amount)

Một số hướng dẫn sử dụng tùy hãng như tretinoin của Bác sĩ Obagi có thể dùng đến liều tối đa là 1gram/1 lần là bằng 2 lóng tay (2 finger units) sáng và tối. Lưu ý đây là liều lượng sử dụng rất cao và khả năng kích ứng cao tương tự. [O2]

NÊN SỬ DỤNG VÀO BUỔI TỐI

Một phần lý do vì bạn chỉ nên sử dụng retinoids 1 lần trong ngày thì hãy sử dụng ưu tiên vào buổi tối. Ban ngày da bạn đã đủ nhạy cảm hơn trước ánh sáng, nên ưu tiên tối đa việc bảo vệ da, chống nắng, chống oxy hóa ban ngày.

Một lý do khác liên quan đến vấn đề tretinoin/retinol có thể bị bất hoạt (deactivated) trước ánh sáng. Với tretinoin, rất nhiều ghi nhận tretinoin sẽ thoái hóa dần trước ánh sáng nên tốt nhất bạn dùng buổi tối, gần nhất trước khi đi ngủ. [9] Các dẫn xuất khác của retinoids như retinal, retinol cũng đều có đặc tính tương tự. Do vậy, rất nhiều công thức mới của tretinoin hiện nay như micro gel đã được nghiên cứu để khắc phục nhược điểm này. Với retinal hay retinol thì không chỉ liên quan đến vấn đề thoái hóa trước ánh sáng, mà còn phải đảm bảo chuyển hóa được thành retinoic acid nên mình luôn khuyên các bạn chịu chi đắt hơn để trả tiền cho các công nghệ bọc, hệ vận chuyển xịn nhất hiện nay là vì vậy.

LUÔN LUÔN PHẢI CHỐNG NẮNG

Thực tế, việc sử dụng chống nắng là điều kiện tiên quyết trong mọi quy trình dưỡng da bất chấp bạn có dùng retinoids hay không.

Tuy nhiên thời gian đầu sử dụng retinoids sẽ làm da bạn nhạy cảm hơn và dễ dẫn đến các tổn thương do ánh sáng, vì vậy hãy nghiêm túc với câu chuyện chống nắng cho da, đặc biệt là da sử dụng retinoids nhé.

Đưa vào quy trình dưỡng da thế nào?

Tranh cãi xoay quanh câu chuyện bôi dưỡng ẩm hay không, bôi trước hay sau dưỡng ẩm hay mix với dưỡng ẩm hay sử dụng cả trước và sau.

Hãy luôn nhớ chỉ có chính bạn mới hiểu làn da của bạn nhất. Không có quy tắc, cách dùng nào là đúng nhất, chỉ có cái nào là hợp nhất với bạn và chỉ bạn, phù hợp với người này có cùng tình trạng giống bạn cũng chưa chắc phù hợp với bạn. Lời khuyên của mình là bạn phải nên tự trải nghiệm qua hết, cách nào giảm thiểu tối đa các kích ứng không mong muốn cho bạn thì đó là cách đúng nhất! Nếu bạn thấy da bạn tiến triển tốt thì đó là cách sử dụng đúng!

- Lưu ý chung là nếu da bạn còn ướt thì sẽ đồng thời làm tăng tính thấm của retinoids nên hầu hết các khuyến cáo đều yêu cầu bôi khi da khô ráo để tránh kích ứng.

  • Nếu retinoids là dạng serum : hầu hết thì bạn sẽ thấy ở các retinol hay retinol esters, gần đây thì có thêm HPR, nếu là serum thì bạn bôi ở bước serum, theo thứ tự lỏng trước đặc sau.

- Bôi trần không sử dụng dưỡng ẩm: Hầu hết các nghiên cứu lâm sàng với tretinoin đều được thiết kế như vậy, tuy nhiên vấn đề kích ứng của tretinoin hay các retinoids nói chung luôn được ghi nhận, quan trọng là da bạn đáp ứng được hay không, nên xem xét bôi một mình retinoids hay kết hợp với dưỡng ẩm là tùy sức chịu đựng của da bạn.

Tuy nhiên, hầu hết người dùng đều sử dụng retinoids đường dài và ít nhất 1 lần có thể sớm hay muộn bạn đều có thể bị kích ứng với retinoids nên việc bổ sung vào quy trình dưỡng da ít nhất 1 loại dưỡng ẩm là điều nên làm. Đây là cách không nên dùng lâu dài.

- Bôi kèm với dưỡng ẩm - Phương pháp "buffering" làm giảm những tác dụng phụ không mong muốn của retinoids
Hầu hết các nghiên cứu cho đến hiện nay đều khẳng định sử dụng dưỡng ẩm có thể giúp giảm các kích ứng mà tretinoin mang lại, ngay cả với làn da mụn (da mụn vẫn dưỡng ẩm nha) [7] [8]

  • Nếu là dạng gel: bôi trước dưỡng ẩm
  • Nếu là dạng cream: bôi trước hay sau dưỡng ẩm hay mix với dưỡng ẩm hay sử dụng cả trước và sau (phương pháp sandwich layer)

- Hãy bôi dưỡng ẩm sau khi retinoids khô ráo

Đây là phương pháp hay được sử dụng nhiều nhất 1 là ngay sau khi rửa mặt trên nền da khô để giảm thiểu tính kích ứng của retinoids, 2 là để đảm bảo retinoids gần da nhất và không bị ngăn chặn thấm vào da bởi bất kỳ hoạt chất nhất là các occlusives dưỡng ẩm nào cả. Cách này giúp bạn vừa giảm kích ứng vừa đảm bảo hiệu quả gần như tối đa của retinoids.

Bôi dưỡng ẩm trước retinoids sẽ làm giảm hiệu quả của retinoids?

Không có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu đều bôi dưỡng ẩm trước khi sử dụng tretinoin nhưng đợi khô ráo rồi bôi tretinoin sau đó đều sẽ giúp làm giảm kích ứng của retinoids. Còn nếu bạn bôi liền ngay lập tức chưa kịp khô thì không khác mấy với chuyện bạn trộn chung với dưỡng ẩm và đồng ý sẽ một phần ảnh hưởng tính thấm cũng như hiệu quả của retinoids.

- Trộn retinoids với dưỡng ẩm trước khi bôi lên da.

Cá nhân mình không thích cách làm này. Các sản phẩm luôn có công thức, hàm lượng thiết kế ra với hệ nền, tá dược để được sử dụng 1 mình khi lên da, không có bất kỳ 1 hướng dẫn chính thống nào về chuyện trộn chung với bất kỳ thành phần của sản phẩm nào khác như dưỡng ẩm. Chuyện trộn các sản phẩm dưỡng da lại trước khi sử dụng sẽ luôn là vấn đề gây tranh cãi và khó khăn hơn khi bạn phải lựa chọn các hệ nền phù hợp, nhất là các retinol/retinal xịn hiện nay được thiết kế với hệ dẫn riêng của nó để đảm bảo tính thấm và chuyển hóa của retinol. Nếu bạn thật sự muốn đạt hiệu quả tốt nhất của retinoids thì hãy đừng trộn.

- Sử dụng theo phương pháp sandwich layering.

Các diễn đàn skincare và nhiều bác sĩ da liễu hiện nay để tối đa hóa chuyện giảm kích ứng của retinoids còn có phương pháp layer nhiều lớp dưỡng ẩm theo thứ tự DƯỠNG ẨM - RETINOIDS - DƯỠNG ẨM như kiểu bánh mì kẹp thịt. Dù vậy, bạn cũng nên lưu ý lớp trước khô rồi hãy bôi đến lớp sau nhé.

------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bozzo P, Chua-Gocheco A, Einarson A. Safety of skin care products during pregnancy. Can Fam Physician. 2011;57(6):665-667. 

[2] Choi JS, Koren G, Nulman I. Pregnancy and isotretinoin therapy. CMAJ. 2013;185(5):411-413.

 [3] Griffiths CE, Kang S, Ellis CN, Kim KJ, Finkel LJ, Ortiz-Ferrer LC, White GM, Hamilton TA, Voorhees JJ. Two concentrations of topical tretinoin (retinoic acid) cause similar improvement of photoaging but different degrees of irritation. A double-blind, vehicle-controlled comparison of 0.1% and 0.025% tretinoin creams. Arch Dermatol. 1995 Sep;131(9):1037-44. PMID: 7544967.

[4] Leyden J, Stein-Gold L, Weiss J. Why Topical Retinoids Are Mainstay of Therapy for Acne. Dermatol Ther (Heidelb). 2017;7(3):293-304.

[5] Olsen EA, Katz HI, Levine N, et al. Sustained improvement in photodamaged skin with reduced tretinoin emollient cream treatment regimen: Effect of once-weekly and three times-weekly applications. J Am Acad Dermatol. 1997b;37:227–30

[6] Green LJ, McCormick A, Weinstein GD. Photoaging and the skin. The effects of tretinoin. Dermatol Clin. 1993 Jan;11(1):97-105. PMID: 8435921.

[7] See JA, Goh CL, Hayashi N, Suh DH, Casintahan FA. Optimizing the use of topical retinoids in Asian acne patients. J Dermatol. 2018;45(5):522-528.

[8] Laquieze S, Czernielewski J, Rueda MJ. Beneficial effect of a moisturizing cream as adjunctive treatment to oral isotretinoin or topical tretinoin in the management of acne. J Drugs Dermatol. 2006 Nov-Dec;5(10):985-90. PMID: 17373148.

 [9] Rosso JD, Harper J, Pillai R, Moore R. Tretinoin photostability: comparison of micronized tretinoin gel 0.05% and tretinoin gel 0.025% following exposure to fluorescent and solar light. J Clin Aesthet Dermatol. 2013;6(2):25-28.

 Others

[O1] Updated measures for pregnancy prevention during retinoid use | European Medicines Agency (europa.eu)

[02] Zein E. Obagi.  The Art of Skin Health: Restoration and Rejuvenation, 2nd edition.